Đừng để công ty bất động sản 'chết trên đống tài sản'

(PLO)-  Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng nếu tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay sẽ góp phần tháo gỡ được khó khăn cho nhiều ngành nghề khác và thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có lẽ chưa bao giờ ngành bất động sản (BĐS) lại khó khăn như hiện nay. Các kênh huy động vốn từ chứng khoán, trái phiếu, khách hàng cho đến vốn vay từ ngân hàng đều gặp khó khăn.

Không chỉ vậy, vướng mắc về pháp lý đã diễn ra từ lâu khiến hàng loạt dự án BĐS bị ách tắc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định hiện có tới 70% dự án đều chết đứng vì liên quan đến thủ tục pháp lý. Cùng với đó, nút thắt về kênh huy động vốn trên thị trường trái phiếu đang rất cần được khơi thông.

Những tắc nghẽn trên dẫn đến các công ty BĐS rơi vào cảnh thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, không có thanh khoản. Bởi hàng không bán được trong khi lãi vay ngân hàng và nhiều khoản chi phí cố định khác vẫn đều đặn phải chi. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty buộc phải dừng triển khai dự án, sa thải tới 50%-60% lực lượng lao động.

Để cứu mình, nhiều công ty quyết liệt tái cấu trúc, thay đổi mô hình hoạt động, dừng hoạt động đầu tư, dừng triển khai dự án, thu hẹp quy mô sản xuất… Chưa hết, để xoay xở dòng tiền, không ít công ty địa ốc chấp nhận tăng tỉ lệ chiết khấu lên mức cao chưa từng có, giảm 45%-50% giá trị BĐS cho những ai thanh toán 100% tiền mặt. Ngay cả các công nợ cũng được hoán đổi thành sản phẩm BĐS.

Thế nhưng, tình trạng thanh khoản của thị trường vẫn đóng băng. Bởi những người muốn mua lại không có tiền hoặc muốn vay ngân hàng để mua thì lại không được vay.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp (DN) BĐS giải thể trong năm ngoái lên đến con số là gần 1.200, tăng 38,7% so với năm trước đó.

Các chuyên gia nhận định năm 2023 là “thời điểm mang tính sống còn của DN BĐS”. Theo đó, nếu các khó khăn về dòng vốn, về pháp lý, về trái phiếu… không được giải quyết một cách đồng bộ thì hàng loạt công ty địa ốc sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản.

Ngược lại, nếu những khó khăn trên được giải quyết, giúp lĩnh vực địa ốc phục hồi thì không chỉ có ngân hàng và DN cùng thắng lợi, mà nó còn kéo theo 30-35 ngành kinh tế khác trong nền kinh tế phát triển theo. Vì vậy, đừng để các công ty BĐS “chết” trên đống tài sản.

Để làm được điều này thì không chỉ có riêng ngành ngân hàng mà cần có sự vào cuộc của nhiều ngành khác.

Mới đây, Chính phủ ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn về tín dụng BĐS với cả DN BĐS và người mua. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất bây giờ các bộ, ngành liên quan cần “xắn tay áo” vào cuộc một cách quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất để gỡ khó cho BĐS. Bởi như Thủ tướng từng nhấn mạnh: Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường BĐS sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu DN và sở hữu chéo… Khó khăn là có nhưng chúng ta không thể bó tay trước điều đó và cần phải chọn điểm đột phá để cấp bách phá băng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm