Đừng dễ dãi nói: ‘Tôi từng bị đánh, có sao đâu’

Sau khi clip cô giáo ở quận Tân Phú (TP.HCM) đánh học trò xuất hiện trên truyền thông, có khá nhiều độc giả, Facebooker bày tỏ rằng họ đã từng bị thầy cô, phụ huynh đánh đòn “còn ghê gớm hơn thế”.

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM, một giáo viên quận Bình Thạnh (xin giấu tên) bày tỏ: “Ở các nước có văn hóa gần gũi với chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, học trò bị gọi lên phòng giám hiệu để phạt đòn là bình thường. Chúng ta học theo Tây nhiều quá, trong khi văn hóa giáo dục của chúng ta khác họ”.

Chúng tôi có buổi phỏng vấn hai chuyên gia thường xuyên làm việc với trẻ em để cùng trao đổi về quan điểm này.

Nên khôi phục lại môn đạo đức

. Phóng viên: Bà nghĩ gì khi hiện nay có nhiều người bày tỏ rằng việc đánh đòn con trẻ chẳng có gì là ầm ĩ?

+ TS Nguyễn Thị Thanh Tú, khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV: Tôi không ủng hộ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để giáo dục con trẻ cho dù ở mức độ nào. Tâm lý học chỉ ra rằng giáo dục trẻ bằng các phương pháp tích cực như khích lệ, ghi nhận giúp con trẻ phát triển tốt hơn nhiều. Đòn roi có thể mang lại hiệu quả tạm thời là đứa trẻ sẽ nghe lời ngay lập tức nhưng nó sẽ giết chết các sáng kiến của con, giết chết cảm xúc an toàn của con.

Nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội xem việc dùng roi vọt để dạy trẻ là bình thường. Ảnh: Internet 

. Nhiều người nói rằng “Tôi từng bị đánh bét nhè đây mà có sao đâu, vẫn lớn lên bình thường đó thôi. Các nhà tâm lý đang làm mọi chuyện quá lên”. Bà nghĩ thế nào?

+ Họ nhận đòn roi thì họ cho roi vọt trở lại với con trẻ. Họ không được thấu hiểu, được thương đúng cách nên họ sẽ cư xử y như vậy với con cái của họ. Nhưng họ cảm thấy ổn không có nghĩa là những đứa trẻ khác cũng cảm thấy ổn, bởi kiểu tâm lý của mỗi người là khác nhau.

Tôi đã làm việc với một thân chủ mà cô ấy đã gần 40 tuổi nhưng cô ấy vẫn bị ám ảnh bởi sự trừng phạt của người cha. Lúc bé, bạn làm việc gì đó trái ý, ông bố đã đánh bạn này và dìm xuống ao. Ký ức đó gây tổn thương tới mức không thể xóa nhòa được và đến bây giờ bạn vẫn đau đáu với ký ức đó.

. Vậy làm cách nào chúng ta có thể ngăn ngừa bạo lực xảy đến với bọn trẻ nhân danh tình yêu thương và dạy dỗ, thưa bà?

+ Tôi ước gì ngành giáo dục khôi phục lại môn đạo đức trong nhà trường với những bài học nhẹ nhàng, thú vị, dễ hiểu, dễ nhớ, dạy con trẻ về tình yêu thương, kính trên nhường dưới, nói lời hay ý đẹp, không dùng bạo lực để đối xử với nhau. Đây là thời điểm tốt để chúng ta quay lại môn đạo đức với các giá trị truyền thống chọn lọc từ Nho giáo.

TS Nguyễn Thị Thanh Tú trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HM

Nhận thức về quyền trẻ em còn quá chậm

. Phóng viên: Ông có phản ứng thế nào khi đọc các tin tức về bạo hành trẻ em bởi chính người dạy dỗ các em?

+ Ông Nguyễn Lữ Gia, quản lý dự án Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam: Tôi rất buồn! Gia đình và nhà trường lẽ ra là nơi an toàn nhất, yêu thương nhất với con trẻ nhưng thời gian qua, khá nhiều trường hợp trẻ em bị gây tổn thương nhân danh sự giáo dục, dạy dỗ.

Chúng tôi đã tham gia nhiều diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em các cấp từ trung ương đến địa phương, hoặc các buổi đối thoại học đường, các em luôn luôn bày tỏ sự mong muốn thay đổi tình trạng bị phạt đòn, bị bạo hành. Có em bày tỏ thế này: “Con mong muốn thầy cô vô lớp cười với tụi con nhiều hơn và không mắng mỏ, đánh đập ai hết”.

. Theo ông, thay đổi thực tế này dễ hay khó?

+ Có thể nói dùng bạo lực với trẻ con đã trở thành “truyền thống” trong nếp nghĩ của nhiều phụ huynh và thầy cô và nó vẫn còn rất phổ biến mặc dù truyền thông của chúng ta nỗ lực thay đổi. Cách giáo dục trẻ em ở những quốc gia khác nhau cũng có thể có những khác biệt. Nhưng chúng ta không thể cứ tiếp tục vin vào truyền thống hay văn hóa Á Đông hay bảo rằng nước láng giềng nào cũng đang làm thế.

Bất cứ hành vi nào gây tổn thương thể chất và tinh thần của trẻ đều là hành vi bạo hành chứ không phải giáo dục.

Theo TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), trong một khảo sát, 70% phụ huynh Việt Nam xem việc phạt roi là một biện pháp để giáo dục con mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới