Đừng để khó cho đời sau!

Những quyết định lửng lơ trong quy hoạch, cho cấm nhà tự phát, nhà cao tầng ở khu trung tâm, thiếu kiên quyết trong ngăn chặn lấn chiếm sông rạch, bảo vệ môi trường đã để lại cho TP những sự rối loạn về quy hoạch, kiến trúc mà nhiều thế hệ sau này sẽ phải tiếp tục hứng chịu. Vụ khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai là vụ việc hết sức đặc trưng.

Với trên 130 năm tuổi, với bao thế hệ học trò đã thành danh nhân như GS Trần Văn Giàu, GS Trần Đại Nghĩa, nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận,…, với kiến trúc đặc trưng trong không gian xanh hiếm hoi còn lại của Sài Gòn xưa, Trường Lê Quý Đôn tự thân nó đã thành di sản cần được bảo tồn. Việc có công nhận nó là di sản hay không, công nhận nhanh hay chậm chỉ là vấn đề thủ tục. Di sản này thuộc về nhân dân, ngôi trường này là lợi ích dân sinh của cộng đồng.

Về nguyên lý, tài nguyên đất đai phải được sử dụng có hiệu quả nhất cho lợi ích quốc dân, lợi ích cộng đồng. Thực tế, không ít người dân có sổ đỏ phải nhường đất cho những dự án, công trình vì lợi ích chung. Thế nhưng với Trường Lê Quý Đôn thì ngược lại, chỉ vì ngân hàng đã được cấp sổ đỏ, Nhà nước đang tiết kiệm đầu tư nên di sản của nhân dân phải nhường bước cho lợi ích của một nhóm nhỏ.

Ai cũng biết đất đai tự nó không thể sinh sôi, quỹ đất đai của TP ngày sẽ càng thu hẹp, việc tìm đất quy đổi cho ngân hàng nhiệm kỳ này đã khó một thì những nhiệm kỳ sau sẽ khó năm, bảy lần hơn. Việc cho ngân hàng xây tạm để khi trường có đủ cơ sở pháp lý bảo tồn di sản, Nhà nước có quỹ đất, có kinh phí đền bù giải tỏa, di dời do vậy dễ trở thành điều không tưởng.

ANH THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm