Vụ trường Lê Quý Đôn "thua" ngân hàng: Cho xây tạm, có ổn?

Trước thông tin dư luận với nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên cho xây trụ sở Ngân hàng Công thương tại địa chỉ 112 Nguyễn Thị Minh Khai, Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM và một số nhà văn hóa, trí thức, cách mạng lão thành về vấn đề này.

Nên giữ đất cho giáo dục

Từ cương lĩnh đến các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng tinh thần và động lực xã hội. Nhưng thực tế, nhiều đô thị ở nước ta đang thu hẹp dần diện tích của các nhà văn hóa, trường học để tăng diện tích cho nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại. Hà Nội từng có dự án xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất hay lấy một phần đường 19-12 xây trung tâm thương mại. Sau khi dư luận lên tiếng, UBND TP Hà Nội đã trả lại không gian cũ cho Công viên Thống Nhất và đường 19-12.

Sự việc tương tự đang xảy ra tại khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai, giữa việc mở rộng Trường Lê Quý Đôn hay xây trụ sở làm việc của Ngân hàng Công thương. Tôi nghĩ UBND TP.HCM nên cân nhắc và nghiên cứu kỹ dư luận. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đang đề nghị đưa trường vào danh sách bảo tồn kiến trúc cảnh quan đô thị… Tốt nhất UBND TP.HCM nên giải phóng mặt bằng này và tiếp tục dự án mở rộng trường.

Nếu quả thật tạm thời TP thiếu 42 tỉ đồng để giải tỏa mặt bằng và mở rộng trường thì UBND TP.HCM nên đưa vào quy hoạch; không nên theo hướng cho ngân hàng xây văn phòng, khi nào có kinh phí sẽ giải tỏa, đập bỏ. Cứ xây rồi đập bỏ có lẽ chỉ là cách nói cho qua chuyện vì như vậy sẽ rất lãng phí tiền của, thứ hai chắc chắn ngân hàng đã gửi chân được vào đó thì không ai đập bỏ được nữa.

Vụ trường Lê Quý Đôn "thua" ngân hàng: Cho xây tạm, có ổn? ảnh 1

Hình ảnh được chụp lại từ Google Earth và chú thích theo Georges Nguyen Cao Duc, thành viên Hội Ái hữu cựu học sinh Trường Trung học Chasseloup - Laubat - Jean Jacques Rousseau (nay là Trường Lê Quý Đôn) tại Pháp. 1. Cổng chính vào sân trường; 2. Lối đi bộ; 3. Lối đi cho xe đạp và xe máy; 4. Văn phòng hiệu trưởng; 5. Sân các lớp tiểu học.

TP vẫn còn nhiều quỹ đất khác cho việc xây dựng trụ sở ngân hàng, thế nên tốt nhất UBND TP.HCM trả lại không gian khu đất này cho trường.

GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Nếu có cái nhìn xa thì nên giao cho trường

Dưới góc độ quy hoạch đô thị, với kiến trúc ô phố từ xưa đến nay thì phần đất đó thuộc về Trường Lê Quý Đôn là đẹp nhất, bảo đảm sự hài hòa cần thiết. Nếu có cái nhìn xa hơn trong quy hoạch thì UBND TP.HCM nên dành khu đất này cho trường.

Chủ trương cứ cho Ngân hàng Công thương xây, sau đó nếu có kinh phí thì sẽ tiến hành mở rộng trường cũng là một bước đi không có vấn đề gì về mặt pháp lý. Tuy nhiên, nên có thời hạn cho việc xây dựng này cụ thể là năm năm, mười năm. Chúng tôi đề nghị đưa vấn đề quy hoạch ô phố này ra Hội đồng Tư vấn kiến trúc TP.HCM để chúng tôi được góp ý chung cho UBND TP.HCM cũng như Sở Xây dựng TP.HCM.

Kiến trúc sư KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

Không nên cắt đi không gian cho giáo dục

Trường Lê Quý Đôn thời tôi học (1947-1948) có tên Chasseloup-Laubat. Khuôn viên trường nằm trong bốn mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Quý Đôn-Võ Văn Tần-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (theo tên gọi hiện nay). Trong đó có khu của Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh nhỏ hơn gọi là Petit Lycée. Cả hai cấp học đều chung ban quản lý và chung khuôn viên. Khu đất 112 khi đó nằm trong khuôn viên này.

Hiện nay, Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục thì không lý gì vì thiếu kinh phí, thiếu đất cấp cho xây ngân hàng mà lại lấy đất vốn nằm trong khuôn viên trường để xây.

Thứ đến, cả nước đang chủ trương tiết kiệm để ích nước lợi nhà, Đại hội Đảng lần XI cũng nêu rõ chủ trương này. Giờ nếu TP vì thiếu kinh phí mở rộng trường mà cho ngân hàng xây rồi sau đó đập đi, vậy có đi ngược lại chủ trương tiết kiệm của Đảng, Nhà nước? Tiền cuối cùng cũng là tiền của dân. Thêm nữa, giáo dục rất cần không gian, xây trụ sở ngân hàng ở đây chính là cắt đi không gian học cho thế hệ trẻ.

Tôi đề nghị UBND TP.HCM nên lấy ý kiến dư luận xã hội về việc xây ngân hàng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, trong đó có học sinh, giáo viên cũ và mới của trường, từ đó có cơ sở quyết định phù hợp. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu!

Bác sĩ NGUYỄN NGỌC HÀ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cựu học sinh Trường Lê Quý Đôn

QUỲNH TRANG - CẨM TÚ

Ông NGUYỄN THÀNH TÀI, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM:

Về lý, không thể không cho xây!

Năm 1989, ngân hàng đã đổi cho TP ba cơ sở thuộc mặt tiền ở đường Pasteur nên họ được bố trí lại một phần khu đất tại số 112 Nguyễn Thị Minh Khai. Quyết định hoán đổi bố trí đất cho ngân hàng là đúng, ngân hàng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không sai. Do đó, không có cớ gì mà lấy lại ngang được. Muốn lấy đất của ngân hàng giao cho trường thì phải bồi thường nhưng năm nay TP phải siết đầu tư công, những dự án chưa xong thủ tục, chỉ mới ở dạng phương án thì phải dừng rót vốn. Trong lúc đó, đất này là của ngân hàng, người ta xin xây. Đứng về mặt pháp luật, ta lấy lý gì cấm?

Chính vì cân nhắc đến yếu tố bảo tồn và dự án mở rộng trường sau này nên TP chỉ cho phép ngân hàng xây trụ sở văn phòng làm việc, cao bốn tầng (không cao hơn Trường Lê Quý Đôn), kiến trúc, vật liệu tương đồng với xung quanh, mặc dù nói đúng ra pháp lý bảo tồn Trường Lê Quý Đôn là chưa có, chỉ mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu đề xuất. Ngay cả khi có pháp lý bảo tồn đi nữa thì cũng không thể cấm xây toàn bộ, chẳng hạn vừa qua vẫn phải cho chỉnh trang khách sạn Rex, hoặc khu Eden - dù khu này trước trụ sở UBND TP, tuy nhiên đi kèm là những khống chế về mặt kiến trúc để không phá vỡ cảnh quan, ví dụ không được cao hơn trụ sở của UBND TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm