Thử ngắm lại xem trường đại học Sư phạm, đại học Sài Gòn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong… thì sẽ thấy rõ. Gọi là trường học nhưng lộn xộn, nhếch nhác. Dân, hàng quán ở lẫn trong đó. Thậm chí cả nhà hàng hoành tráng ở đằng sau trường.
Nếu nhìn những trường học trong thành phố, rất thương vì có những trường sân chơi của học trò là ở hành lang. Thế thì đòi hỏi gì ở họ việc giáo dục toàn diện? Cho nên chúng ta nói về chủ trương thì đúng nhưng trên thực tế thì không làm hoặc chúng ta thể hiện sự bất lực trước việc thực thi chủ trương đó.
Nếu các vị nào đó có trách nhiệm, chỉ cần cân nhắc một chút thì thấy rằng ngôi trường có truyền thống cả trăm năm đó ở trong khu vực rất đẹp. Người ta nhìn vào có thể thấy được bộ mặt giáo dục của thành phố mà bây giờ lại có một cao ốc ngạo nghễ trong khuôn viên trường thì rõ ràng hai hình ảnh đó tạo nên sự phản cảm, vênh lệch hoàn toàn không hợp lý.
Chuyện hy sinh khuôn viên trường hay những không gian công cộng để làm cao ốc sẽ là một việc mất lòng dân, một kết quả của sự suy nghĩ chưa kỹ lưỡng, chưa thấu đáo. Ảnh: Lê Hồng Thái
Cao ốc dành cho nhà hàng, khách sạn, trụ sở gì đó… hoạt động kinh doanh dịch vụ là rất cần thiết nhưng nó phải ở chỗ khác chứ không phải trong khuôn viên trường.
Có một vấn đề mang tính nguyên tắc, rằng những gì thuộc truyền thống mà mình biết giữ gìn, bảo vệ thì nó phục vụ cho tương lai, cho ngày mai; nhưng nếu bạc đãi, hắt hủi và phủ định nó thì sẽ không còn quá khứ và sẽ không có tương lai. |
Những gì cũ, chúng ta chưa sửa được thì chúng ta phải nhẫn nhịn chờ đợi, hoặc xúc tiến một cách thận trọng nhưng đừng để xảy ra những sự cố mới khiến người ta thấy rằng hình như giữa lý thuyết và thực tế lại ngược nhau. Chuyện đó xảy ra ở đâu đã không được, nhưng xảy ra ở một thành phố lớn như TP.HCM, vốn xưa nay nổi tiếng là một trung tâm văn hoá, trung tâm kinh tế của đất nước; một nơi người ta nhìn vào và thấy được truyền thống hiếu học hàng trăm năm… mà có những hình ảnh phản cảm như thế thì có nên không?
Chúng ta nghĩ đến lợi ích kinh tế, nâng GDP, thu nhập ngày càng lớn hơn… trong khi đó lại để cho giáo dục, và mở rộng hơn là nhà văn hoá, thư viện, câu lạc bộ… những hệ thống cứ bị teo tóp đi thì còn nói gì đến việc phát triển con người, giống như người túi thì có tiền nhưng đầu bị rỗng.
Cho nên, tôi nghĩ chuyện hy sinh khuôn viên trường hay những không gian công cộng để làm cao ốc sẽ là một việc mất lòng dân, một kết quả của sự suy nghĩ chưa kỹ lưỡng, chưa thấu đáo. Chúng ta chú ý xây dựng văn minh vật chất nhưng tuyệt đối không được coi nhẹ văn minh tinh thần. Chúng ta nghĩ hôm nay nhưng đồng thời phải nghĩ đến thế hệ tương lai. Mà thế hệ tương lai ấy, do nhà trường ươm mầm, vun trồng và chăm sóc mà bây giờ nhà trường què quặt, bị triệt đi những điều kiện, phương tiện cần thiết thì đòi hỏi gì nữa ở nhà trường trong việc thực hiện trồng người?
Đi trên sông Sài Gòn, nhìn hai bên bờ sông phía quận 2 thấy nổi lên cao ốc, hay Phú Mỹ Hưng từ những vùng hoang hoá bây giờ thành khu đô thị thì rất mừng và hoan nghênh. Nhưng, những nhà hoạch định phải lưu ý cao ốc đó ở đâu chứ không phải nhăm nhăm vào trung tâm. Chúng ta không phản đối việc xây dựng cao ốc, nhưng phải hết sức trân trọng và tạo điều kiện để cho những trường học, câu lạc bộ, nhà văn hoá, nhà hát… cũng phải có một sự phát triển tương xứng, với một quy mô bề thế tương xứng. Vì điều này mới làm nên hồn cốt của thành phố.
Nếu chưa tăng thêm đất cho nó thì đừng xén bớt đất, đừng bao giờ làm những chuyện làm cho không gian vốn rất thuần khiết bây giờ trở nên lai tạp, đừng làm nó tầm thường đi.
Chứng kiến những sự đổi thay của thành phố, sự mất đi nhiều của những không gian cộng đồng dẫn đến sự buồn rầu không thể cưỡng nổi của tất cả những người yêu thành phố này. Tôi lấy thí dụ như khu trung tâm, quanh nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất… những công trình xây dựng, hàng loạt cao ốc xây xung quanh làm không gian bị phá vỡ. Tất cả những điều này hình như giới quy hoạch thành phố cũng nhận ra cho nên vừa rồi mới hạn chế chiều cao, bắt cắt bỏ một số tầng… nhưng cách làm đó hình như chỉ để xả xúpáp chứ chưa thực hiện một cách nghiêm khắc, rộng khắp, nhất quán. Cấu trúc lẽ ra rất đẹp của thành phố đã bị phá vỡ đi nhiều. Người ta nhìn vào đây thấy giống như một tấm áo, nếu nhìn từng mảnh nhỏ, thì thấy đẹp bởi những mảnh vải tốt nào gấm, lụa; nhưng nhìn tổng thể thì hỡi ôi, nó là một cái áo chắp vá, không đồng bộ, không hài hoà…
Tôi tin rằng chúng ta có sự đề đạt khẩn thiết, nghiêm túc, hợp lý thì những vị có trách nhiệm và chính quyền ở những cấp cụ thể, sẽ thấy được và có thể việc dừng lại hơi muộn một tí, còn hơn cứ thế tiếp tục để rơi vào thực tế mọi sự đã rồi. Có một vấn đề mang tính nguyên tắc, rằng những gì thuộc truyền thống mà mình biết giữ gìn, bảo vệ thì nó phục vụ cho tương lai, cho ngày mai; nhưng nếu bạc đãi, hắt hủi và phủ định nó thì sẽ không còn quá khứ và sẽ không có tương lai.
TS Lê Quang Ninh, hội Kiến trúc sư TP.HCM: Phải giữ lấy linh hồn đô thị Hoàn toàn không nên dành không gian chung của xã hội để đầu tư cho những công trình kinh doanh. Thay vào đó, phải chú trọng những không gian chung càng nhiều càng tốt, thậm chí phải giải phóng bớt để có những không gian công cộng chung. Nhất là những không gian công cộng thuộc diện của Sài Gòn xưa lại càng quý bởi gắn với thành phố đã mấy trăm tuổi, gắn với ký ức, trí nhớ, là linh hồn đô thị. Điều đó đòi hỏi mình phải tôn trọng và giữ gìn thật tốt, thậm chí phải tốt hơn những công trình khác. Trung Dũng (ghi) |
Theo PGS.TS Trần Hữu Tá (SGTT)