Việc khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 được UBND TP quyết giao cho ngân hàng xây cao ốc văn phòng đang có ý kiến không đồng thuận. Do yếu tố địa lý lịch sử đặc biệt của Trường Lê Quý Đôn, Pháp Luật TP.HCM nhìn lại sự kiện này trong tổng thể quan hệ pháp lý xây dựng, kiến trúc cảnh quan đô thị, bảo vệ di sản và phát triển sự nghiệp giáo dục.
Nếu xem xét việc giao khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM (tạm gọi: khu đất 112) cho Ngân hàng Công Thương xây văn phòng ở góc độ hồ sơ thủ tục thì quả tình các cơ quan chức năng đã làm rất chặt chẽ. Thành phố đã giải thích rằng cứ để ngân hàng xây văn phòng, khi nào có ngân sách thì sẽ thu hồi đất để mở rộng trường. Nhưng đến khi nào?
Pháp lý đầy đủ
Về thủ tục, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định: Việc cấp phép cho Ngân hàng Công Thương là không sai, hồ sơ và thủ tục pháp lý để cấp phép rất đầy đủ: Chủ đầu tư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được TP chấp thuận các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc do Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) trình. Cũng theo ông Tuyến, việc mở rộng Trường Lê Quý Đôn chỉ mới được thể hiện ở công văn của UBND TP yêu cầu quận 3 lên phương án di dời tổng thể và chỉ mới mang tính chất chủ trương. Công văn đó không phải là quyết định thu hồi đất để mở rộng trường, lại nữa là quy hoạch chi tiết mở rộng về ô đất đó chưa có.
Đội thi công đang phá bê tông trong khu đất 112 để xây văn phòng cao bốn tầng cạnh Trường Lê Quý Đôn. (Ảnh chụp ngày 6-4). Ảnh: HTD
Về quy hoạch, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm - Sở QHKT, cho biết: Năm 1996, theo quy hoạch chi tiết 1/2000 do Bộ Xây dựng duyệt thì ô phố Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Quý Đôn-Võ Văn Tần-Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đất dành cho giáo dục. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, khu vực này đã giao cho đơn vị tư vấn nước ngoài làm lại quy hoạch chi tiết. Quy hoạch cũ không còn sử dụng nữa.
Do quy hoạch còn bỏ ngỏ, việc đầu tư dự án tại khu này phải được Hội đồng KTQH xét từng trường hợp cụ thể và trình UBND TP. Ông Thảo cho biết thêm: “Theo biên bản cuộc họp của Hội đồng KTQH vào năm 2009, Sở đưa ra hai phương án giữ nguyên hiện trạng hoặc cho ngân hàng xây văn phòng, hội đồng thống nhất cho phép xây văn phòng. Tuy vậy, trong báo cáo gửi UBND TP, Sở cũng vẫn trình lại hai phương án trên để TP quyết định”.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, nhớ lại cuộc họp trên: “Khi ấy tôi là chủ tịch Hội đồng KTQH TP. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số nên ý kiến cho xây trụ sở ngân hàng là của số đông. Về nguyên tắc, hội đồng có nhiệm vụ chính là tham mưu, góp ý cho TP về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho một công trình cụ thể khi đất sử dụng hợp pháp, chủ đầu tư có nhu cầu phát triển và khu vực này được phép xây dựng. Đối chiếu với các yếu tố này thì ngân hàng thỏa điều kiện. Hội đồng không có chức năng xem xét vì sao đơn vị này được cấp GCN”.
Về việc đất giao cho ngân hàng có phải là đất thuộc khuôn viên Trường Lê Quý Đôn hay không, trong báo cáo của UBND quận 3 vào ngày 25-3, quận 3 nhận định: Nhìn tổng thể thì cả khu đất 112 là thuộc về khuôn viên trường. Tuy nhiên, quận này cũng thừa nhận: Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2007, phần đất tại khu đất 112 do bốn hộ dân đang sử dụng được bằng khoán thể hiện là thuộc Trường Lê Quý Đôn (tên cũ là Trường Collège Chasseloup-Laubat) từ năm 1958. Riêng phần đất do phía ngân hàng sử dụng khoảng hơn 400 m2 - nằm giữa Trường Lê Quý Đôn và phần đất do dân sử dụng - lại không thấy bằng khoán đề cập đến.
Giữ dấu ấn ký ức, hồn đô thị
Từ năm 1998, theo quy hoạch chung của quận 3 đã được TP phê duyệt, ô phố Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Quý Đôn-Võ Văn Tần-Nam Kỳ Khởi Nghĩa là “đất công trình bảo tồn”. Trong đó, Trường THPT Lê Quý Đôn là công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Dù được trùng tu nhiều lần nhưng cơ bản Trường Lê Quý Đôn vẫn giữ được kiến trúc cổ hài hòa với cảnh quan khu vực. Hình ảnh ngôi trường đã thành dấu ấn ký ức của nhiều người.Đến nay, hồ sơ thủ tục công nhận di tích bảo tồn chưa hoàn thành. Dù vậy, thực tế với giá trị hơn 130 tuổi, di tích này cần phải được bảo vệ, không thể vin vào sự chậm trễ của cơ quan chức năng để phá bỏ cảnh quan.
TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, nhấn mạnh ý nghĩa di sản vật thể của ngôi trường: “Đây là khu vực còn tồn tại rất nhiều các công trình kiến trúc cổ đặc trưng của Sài Gòn, là nơi còn lưu giữ đậm đặc hồn vía của đô thị cũ. Ký ức - nếu không được củng cố bởi những di sản bằng vật thể thì khó trách được thế hệ con cháu khi họ thờ ơ với quá khứ. Giữ gìn những di sản ấy một cách cẩn thận có nghĩa là truyền lại cho con cháu về quá khứ, về lịch sử của TP, để lịch sử sống trong từng con người chứ không phải trên giấy tờ hay các bộ sử ghi chép”.
Trường THPT Lê Quý Đôn được xây dựng từ năm 1874-1877, ban đầu trường có tên Collège Indigène (Trường Trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Chasseloup-Laubat… Từ năm 1970 đến nay trường chính thức mang tên Lê Quý Đôn. Đây là ngôi trường lâu đời nhất không chỉ của TP.HCM mà của cả Đông Dương. Nhiều nhà cách mạng, trí thức lớn như Giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận và hàng trăm thế hệ học sinh của nước ta đã từng học ở đây. Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì “Cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xuphanuvong cũng từng học ở đây”. ____________________________________________________ Sở Xây dựng yêu cầu đình chỉ thi công Theo nguồn tin từ Sở Xây dựng, ngày 7-4, Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu Ngân hàng Công Thương Chi nhánh TP ngưng việc thi công trụ sở tại 112 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Văn bản này được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài tại buổi họp sáng ngày 7-4, với lý do “yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng đề nghị của Sở Xây dựng khi cấp giấy phép xây dựng”. Trước đó, khi cấp GPXD cho chủ đầu tư này, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh biến động, đổi tên từ Ngân hàng Công Thương VN thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương VN trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cho đến nay chủ đầu tư này vẫn chưa thực hiện xong thủ tục này nên chưa đủ điều kiện để khởi công. CẨM TÚ Đó là địa chỉ giáo dục, văn hóa Nếu không có phân khu chức năng rõ ràng và nhà cao tầng cứ “cắm” lung tung như thế này thì đến một lúc nào đó sẽ không thể nào chữa nổi quy hoạch của TP. Xây cao ốc bên cạnh một công trình có bề dày lịch sử như thế chẳng khác nào “mặc áo the mà thắt cà vạt”. Nên coi Trường Lê Quý Đôn như một địa chỉ về giáo dục và văn hóa, một địa chỉ đã lưu giữ ký ức của biết bao thế hệ trí thức người Sài Gòn. TSNGUYỄN HỮU NGUYÊN,Viện Nghiên cứu Kinh tế miền Nam Không thể dồn chung quá khứ và tương lai Nếu TP đầu tư xây dựng mới thì nên thực hiện dựa theo hướng bảo tồn di sản, làm thế nào để TP còn giữ lại được hồn đô thị của Sài Gòn xưa. Hồn đô thị ấy hiểu theo nghĩa rộng là sự tiếp nối giữa đô thị cũ và đô thị mới, giữa không gian và không gian, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Không thể dồn cả quá khứ, hiện tại và tương lai vào trong một không gian. KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG,Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP |
CẨM TÚ - VIỆT HOA