Hai số báo trước chúng tôi đã phản ánh thực trạng pháp lý việc cấp phép xây dựng văn phòng ngân hàng ở số 112 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM (nằm trong khuôn viên của Trường Lê Quý Đôn cũ và trong dự án mở rộng Trường Lê Quý Đôn hiện nay). Chúng tôi đã phản ánh ý kiến nguyện vọng của những nhà trí thức, văn hóa, kiến trúc với góc độ đây bảo tồn giá trị lịch sử, kiến trúc của khu vực này. Hôm nay, chúng tôi ghi nhận những ý kiến nhìn khu vực này trong góc độ phát triển giáo dục.
Cá nhân tôi ủng hộ việc mở rộng trường
Khi ấy (cuộc họp của Hội đồng quy hoạch kiến trúc vào năm 2009), tôi là chủ tịch Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số nên ý kiến cho xây trụ sở ngân hàng là của số đông.
Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân bây giờ tôi ủng hộ việc mở rộng Trường Lê Quý Đôn. Chúng ta cứ nói chúng ta làm quy hoạch tốt nhưng có xây được trường nào đẹp như những ngôi trường truyền thống đâu.
PGS-TSNGUYỄN TRỌNG HÒA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP
Hợp pháp mà không hợp lý phải xem xét lại
Hồi tôi còn làm đại biểu HĐND TP (khóa IV và V) đã có chủ trương: tất cả những cơ sở, hộ dân nằm trong khuôn viên của trường học đều phải buộc di dời để trả lại mặt bằng cho trường học theo chủ trương chung của Nhà nước là ưu tiên cho giáo dục. Ở TP.HCM, một số khu vực cảnh quan, kiến trúc cổ bị phá vỡ rồi, còn lại những khu vực truyền thống thì mình phải cố gắng giữ gìn, nhất là các trường học như: Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Do đó, trường hợp này chính quyền là phải xem xét nhiều mặt, không thể thấy giấy tờ hợp lệ là vội quyết định ngay.
Cổng Trường Lê Quý Đôn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM. Ảnh: HTD
Với vai trò quản lý nhà nước, cần phải thẩm định việc cho xây văn phòng ngân hàng tại đó có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý dù cho có hợp pháp đi nữa thì cũng phải xem xét lại tìm giải pháp khác không thiệt hại cho ngân hàng. Chúng ta phải ưu tiên cho sự phát triển giáo dục.
Tôi mới nghe thông tin là Sở Xây dựng yêu cầu đình chỉ thi công nhưng với một lý do khác chứ không phải do không đồng thuận của nhiều người. Tôi thấy rằng, nhân việc ngưng thi công trên thì lãnh đạo thành phố cũng nên xem xét lại chủ trương này để có thể “mở rộng” Trường Lê Quý Đôn đúng với quy cách của nó như trước đây.
Luật gia LÊ HIẾU ĐẰNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Cần nhất quán
Năm 2003, UBND TP đã ban hành quyết định di dời nhà dân, cơ sở khác trong trường học để trả lại môi trường sư phạm. Sau đó hai năm (2005), HĐND TP.HCM ra nghị quyết yêu cầu phải nhanh chóng di dời các hộ dân trong trường học. Như vậy, hơn ai hết, UBND TP đã ra chủ trương thì phải thực hiện cho đúng. Đó là chưa nói đây còn là một di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Đây là việc làm không nên và không hợp tình hợp lý chút nào. Ban KTNS sẽ có văn bản kiến nghị chính thức với UBND TP trước kỳ họp HĐND TP vào ngày 19-4 tới.
Ông HUỲNH CÔNG HÙNG, Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM
Kinh tế cần nhưng môi trường giáo dục cũng quá cần
Người Pháp khi xây dựng chợ, bệnh viện và trường học luôn có quy hoạch chặt chẽ về giao thông và đô thị. Di sản mà họ để lại cho chúng ta - trường học là một trong những kiến trúc đẹp, độc đáo. (Marie Curie, Lê Hồng Phong hay Petrus Ký cũ, Nguyễn Thị Minh Khai hay Gia Long cũ). Trường bao giờ cũng có hoa viên, khuôn viên rộng với bóng mát cây lá, cỏ hoa. Những ngôi trường ấy đã trở thành cổ kính bởi tuổi tác và thời gian đi qua nó cùng với việc đào tạo bao nhiêu thế hệ trở thành trí thức của nước nhà.
Mất đi hay làm biến dạng những kiến trúc như thế nghĩa là chúng ta làm mất mát cả giá trị tinh thần, biểu tượng của tri thức, của ký ức nhiều thế hệ. Đại học Stanford danh tiếng làm sững sờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tôi khi chúng tôi ghé thăm. Đấy là một tu viện cổ thế kỷ 18, còn nguyên vẹn tháp chuông biểu tượng của trường và một nhà thờ với hàng ngàn bích họa cổ. Bảo tàng mang tên nhà điêu khắc Rodin cũng nằm trong công viên rợp bóng sồi cổ thụ của trường. Du khách đến Sài Gòn tất nhiên không vào tham quan Trường Lê Quý Đôn. Nhưng từ bên kia đường không thiếu những ống kính du lịch đã chỉa qua cổng trường rất đẹp. (Phí đã nằm trong vé máy bay của họ khi đến VN đấy). Kiến trúc cổ kính có sức hút của nó là thế, cho dù chỉ là một ngôi trường trung học.
Thành phố không còn nhiều những ngôi trường vừa danh tiếng, cổ kính vừa có kiến trúc đẹp như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Marie Curie… nếu làm hỏng nó?
Kinh tế cần nhưng giáo dục cũng quá cần cho mọi đất nước muốn thúc đẩy dân trí.
Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN
T.NHÂN - C.TÚ - T.MẠNH