Nhiều gói tín dụng ưu đãi đang bị ách tắc, khó giải ngân. Do đó, tiền đang “treo” trong hệ thống ngân hàng, chưa thể chảy ra nền kinh tế. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp lại không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để sản xuất, kinh doanh. Đó là một nghịch lý.
Ngân hàng (NH) Nhà nước đã bốn lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và huy động chỉ trong thời gian ngắn. Đây là động thái rất quyết liệt của Chính phủ cũng như các ngành chức năng nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có nguồn lực vốn rẻ, có thể cạnh tranh, đầu tư sinh lợi nhuận.
Thế nhưng lúc này tiền vẫn đang mắc kẹt trong hệ thống NH, bằng chứng là tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức thấp. Số liệu cập nhật đến ngày 15-6 vừa qua cho thấy dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 3,36% so với cuối năm ngoái.
Điều này cho thấy DN vẫn ngại không dám vay vì lãi suất cao, làm không đủ trả lãi NH hoặc muốn vay nhưng lại nằm ở diện vướng về tài sản thế chấp, sự khả thi phương án kinh doanh không có do gặp quá nhiều khó khăn…
Trong bối cảnh đó, cả người dân lẫn DN đều mong được vay nguồn vốn giá rẻ từ các gói tín dụng ưu đãi nhưng lại rất khó tiếp cận. Đến nay, các gói vay hỗ trợ 40.000 tỉ đồng, 120.000 tỉ đồng… vẫn ách tắc. Điển hình là sau một năm triển khai, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỉ đồng mới giải ngân được hơn 1%.
Không chỉ vậy, ngay lúc này đây đang có nguồn tiền cực rẻ với tổng giá trị lên đến 1 triệu tỉ đồng dành cho đầu tư công cũng chưa thể giải ngân mà đang bị “nhốt” trong hệ thống NH để hưởng lãi suất không đầy 1%. Đây là một sự lãng phí rất rõ. Chỉ cần 10%-20% nguồn tiền này, tương đương 100.000-200.000 tỉ đồng, đi vào nền kinh tế sẽ tạo ra những sức bật mạnh mẽ cho mọi lĩnh vực kinh doanh.
Đành rằng cơ quan quản lý nhà nước lập luận mọi thủ tục vay vốn hay giải ngân đầu tư công cần phải đảm bảo thủ tục pháp lý. Thế nhưng lúc này thời gian không thể chờ đợi mà đòi hỏi phải có sự dũng cảm, quyết tâm và sự quyết liệt trong hành động nhằm tháo gỡ nút thắt, khơi thông dòng vốn.
Tiền rẻ đến đúng chỗ, đúng thời điểm cùng với sự phối hợp thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm chính là nền tảng tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế trong năm 2023 và cả những năm về sau.
Nói cách khác, trong tình thế cấp bách hiện nay phải khơi thông ngay các gói vay ưu đãi bởi dòng tiền được ví như “dòng máu” của nhà sản xuất, kinh doanh. Khơi thông dòng vốn giá rẻ được xem là liều thuốc tối ưu không chỉ cho DN mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế.