Phải tiết kiệm tài nguyên, không để lại gánh nặng cho thế hệ mai sau

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần lập danh mục riêng đối với loại khoáng sản chiến lược để quản lý nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền của đất nước… 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) QH quan tâm thảo luận là vấn đề phân loại và quản lý nhóm khoáng sản, được quy định tại Điều 6, dự thảo Luật.

Chưa có danh mục về khoáng sản chiến lược

Liên quan nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho hay ông thực sự chưa yên tâm khi việc phân loại khoáng sản chưa tách bạch được các loại khoáng sản chiến lược quan trọng, khoáng sản có vị thế quan trọng.

Cụ thể, ông Nghĩa nói dự luật đang phân loại khoáng sản thành bốn nhóm theo công dụng và mục đích quản lý. Trong nhóm I hiện nay (nhóm kim loại và năng lượng) có những loại khoáng sản cực kỳ quan trọng, có trữ lượng lớn như đất hiếm, vonfram, uranium, titan… Ngoài ra, Việt Nam còn có trữ lượng băng cháy lớn ở thềm lục địa chưa được đưa vào.

“Đây là những loại khoáng sản rất quan trọng khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên số, công nghiệp bán dẫn, hàng không và quân sự” – ĐB Nghĩa nói.

Tiết kiệm tài nguyên, không để lại gánh nặng cho thế hệ mai sau
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Theo ông, những loại khoáng sản này dù “thuộc về tầm chiến lược” nhưng đang được đánh đồng với những loại khoáng sản khác trong nhóm I. Đây có thể là lỗ hổng khi chúng ta cấp phép cho các nhà thăm dò, khai thác có quyền chuyển nhượng và họ có quyền khởi kiện nhà nước, nếu như có tranh chấp.

“Chẳng hạn, trong chuyển nhượng, A chuyển cho B, B chuyển cho C, C chuyển cho D và tất cả B, C, D này đều ở nước ngoài. Rất khó để biết ai thực sự làm chủ công trình thăm dò và khai thác, mà như thế có thể ảnh hưởng tới độc lập tự chủ hoặc chủ quyền” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đó, ĐB Nghĩa đề nghị cần quy định một danh mục riêng đối với khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt quan trọng và giao thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác cho Thủ tướng thay vì giao Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh như hiện nay.

“Ở một số quốc gia, trong một số trường hợp chuyển nhượng các dự án thì Chính phủ sẽ can thiệp không cho chuyển nhượng vì ảnh hướng tới sự phát triển lâu dài, đặc biệt là chủ quyền và an ninh quốc gia. Còn trong dự thảo, hiện hầu hết chúng ta giao cho các bộ” – ông nói.

Cùng với đó, ông Nghĩa cũng đề nghị cần thiết kế một nguyên tắc trong dự thảo luật là "tiết kiệm tài nguyên và không để lại gánh nặng cho thế hệ sau", đây cũng là một trong những nguyên tắc mà Việt Nam đã thoả thuận và chấp nhận với Liên hợp quốc.

Có quy định riêng để quản lý

Giải trình, làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đồng tình với nhiều ý kiến của các ĐBQH nêu.

Ông Duy nhìn nhận tuy cùng một nhóm như khoáng sản nhóm I (khoáng sản kim loại) nhưng có nhiều loại khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế mang tính chất chiến lược như đất hiếm, vonfram, titan… Hay như đối với loại khoáng sản nhóm IV (vật liệu xây dựng, san lấp) thì cần có phương thức quản lý sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản về quy trình, thủ tục hành chính.

khoang-san-chien-luoc-Duy.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy. Ảnh: QH

Dù đồng tình nhưng Bộ trưởng TN&MT cũng cho rằng rất khó quy định chi tiết trong luật danh mục đối với từng loại khoáng sản. Hơn nữa việc này sẽ khó điều chỉnh trong phân nhóm, phân loại khoáng sản nếu như có thay đổi trong các trường hợp như phát hiện thêm khoáng sản mới theo xu thế của thế giới; yêu cầu quản lý, sử dụng khoáng sản thay đổi theo giai đoạn…

“Do vậy, Chính phủ đã đề xuất giao Chính phủ quy định phân loại chi tiết. Mong các ĐBQH đồng thuận với quan điểm này, như thế vừa đảm bảo tính linh hoạt, vừa đảm bảo có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời” – ông Duy nói.

Thông tin thêm, Bộ trưởng TN&MT cho biết hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT nghiên cứu, xây dựng “chính sách riêng, đặc thù và chiến lược” để quản lý với các các khoáng sản mang tính chất chiến lược như đất hiếm, vonfram…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm