Đừng để luật “vênh” nhau

Bộ Xây dựng vừa thu hồi quy định “cấm sử dụng nhà vào các mục đích khác” trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng với lẽ “chưa phù hợp thực tế”. Dư luận đánh giá cao thái độ cầu thị của Bộ Xây dựng; tuy vậy, đọc kỹ dự thảo thì thấy rằng vẫn còn một số điểm bất hợp lý cần phải được xem xét thấu đáo trong lần sửa đổi này.

Chẳng hạn như quy định về quyền thế chấp đất, nhà của cá nhân. BLDS và Luật Đất đai không hạn chế cá nhân nhận thế chấp bất động sản. Thế nhưng theo Điều 114 Luật Nhà ở năm 2005 và đang là Điều 144 của dự thảo luật sửa đổi, “chủ sở hữu nhà ở được thế chấp nhà ở để đảm bảo thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ… nhưng chỉ được thế chấp tại một tổ chức tín dụng”. Chẳng rõ nhà làm luật muốn gì ở điều luật này, chỉ biết là đang có hai cách hiểu khác nhau. Người cho rằng nếu thế chấp nhà để đảm bảo nhiều khoản vay thì chỉ được thực hiện tại một ngân hàng. Người suy ra việc thế chấp nhà chỉ được thực hiện ở ngân hàng và như vậy cá nhân không được nhận thế chấp nhà. Ngặt nỗi không có người có thẩm quyền nào đứng ra “gút” việc này để rồi nếu trước giờcác hợp đồng thế chấp nhà giữa cá nhân với cá nhân vẫn được công chứng bình thường thì nay giao dịch này có thể bị ngưng trệ.

Hay như với câu hỏi “người mua nhà được sở hữu nhà lúc nào?”, BLDS và Luật Đất đai đều đáp: “Từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (tức thời điểm được cấp giấy chứng nhận như cách làm lâu nay)”. Thế nhưng theo Luật Nhà ở và dự luật sửa đổi thì lại là “từ thời điểm hợp đồng được công chứng”. Dự luật còn kèm theo câu “thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà cũng đồng thời là thời điểm chuyển quyền sử dụng đất gắn với căn nhà”. Tại sao lại quy định theo kiểu luật này “đá” luật kia dễ làm phát sinh tranh chấp như vậy, nhất là khi công chứng xong thì người mua vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận nên đâu thể thực hiện các quyền của người chủ sở hữu?

Theo kế hoạch, dự thảo luật trên sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2014. Một khoảng thời gian chuẩn bị không ngắn tính từ thời điểm này. Hy vọng rằng với một dự luật liên quan đến nhiều quyền lợi thiết thân của người dân, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc lắng nghe những góp ý để có thể đưa ra một dự thảo hoàn chỉnh, loại bỏ được những “hạt sạn” của luật hiện hành. Bởi sửa luật không chỉ là bổ sung những điều luật mới mà còn là cơ hội để chấm dứt chuyện luật “vênh” nhau gây khó cho người dân.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm