Đừng để ngư dân phải vay nặng lãi đi biển

Buổi làm việc của Thủ tướng với đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN ngày 11-3 đã đề cập tới hàng loạt vấn đề liên quan tới quyền lợi của lao động nữ, lương tối thiểu... và chế độ cho ngư dân đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Đề nghị sớm công bố thời điểm tăng lương tối thiểu

Về vấn đề lao động nữ, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Nguyễn Thu Hồng cho biết luật hiện hành đã có những quy định tiến bộ như yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải bố trí đầy đủ nhà vệ sinh, nhà tắm; các khu công nghiệp (KCN) phải có quy hoạch nhà trẻ, lớp mầm non. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, Chính phủ cần có cơ chế cụ thể, chẳng hạn cho phép DN tính chi phí xây dựng các công trình phụ trợ đó vào chi phí sản xuất.

“Thiếu nơi gửi con, đời sống công nhân KCN thêm khó khăn. Lao động nữ không dám lấy chồng. Lấy chồng thì không dám sinh con. Sinh con thì lại gửi về quê cho ông bà. Không xử lý ngay bất cập này thì 10 năm nữa chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hậu KCN” - bà Hồng cảnh báo.

Liên quan đến lương, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết Hội đồng Lương quốc gia trong đó Tổng liên đoàn là thành viên, đang rất lúng túng. “Vì khó khăn ngân sách, năm qua Nhà nước đã phải lùi lộ trình tăng lương tối thiểu 2015. Thế nhưng lùi đến bao giờ thì nay vẫn chưa rõ. Đề nghị Chính phủ sớm công bố”.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần coi ngư dân như những công nhân trên biển, và phải hỗ trợ tối đa. Trong ảnh: Ngư dân Bình Định sau chuyến ra khơi. Ảnh: Ly Kha

Ông Chính cũng nhắc tới khe hở pháp luật: DN trả lương công nhân 5 triệu đồng nhưng chỉ đóng BHXH theo mức lương tối thiểu, gây thiệt thòi cho người lao động. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở các KCN mà kể cả trong DNNN, đơn vị sự nghiệp. Do đó cần sửa luật để việc nộp phí BHXH theo đúng bản chất của nó là tính theo thực lương được hưởng.

Đánh giá cao mô hình nghiệp đoàn nghề cá

Đề cập tới chương trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đang triển khai, đại diện công đoàn cho rằng chính sách hỗ trợ lao động dôi dư theo Nghị định 91/2010 có bất cập. Theo đó, người mất việc chỉ được trợ cấp một lần cho dù đã có thời gian dài đóng BHXH. Vì vậy phía công đoàn đề nghị sửa nghị định theo hướng người lao động dôi dư chưa đủ tuổi hưu nhưng đã tham gia BHXH đủ dài thì vẫn được chế độ trợ cấp hằng tháng.

Một sáng kiến của Tổng liên đoàn được đánh giá cao là mô hình nghiệp đoàn nghề cá. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sáng kiến này đang được nhân rộng để hình thành các tổ chức gắn kết ngư dân bám biển.

Báo cáo thêm, ông Tám cho biết những năm qua, bằng các chương trình hỗ trợ tín dụng, hàng loạt tàu cá công suất lớn đã được đóng mới. Tính riêng số tàu công suất từ 90 sức ngựa trở lên, trước đây chỉ có vài ba ngàn, nay đã lên tới 20.000 chiếc trong tổng số 180.000 tàu cá, đủ sức vươn khơi xa. Trong một chương trình khác, 2.300 tàu cá của ngư dân trong tổng số hơn 6.000 chiếc đăng ký đã được lắp thiết bị định vị vệ tinh. 16 tỉnh ven biển đã có trạm theo dõi vệ tinh để kịp theo dõi, hỗ trợ ngư dân bám biển. “Đề nghị Chính phủ cho triển khai giai đoạn 2 với thiết bị do chính chúng ta sản xuất, sử dụng dịch vụ từ các vệ tinh Vinasat của ta, đảm bảo an ninh hơn” - ông Tám kiến nghị.

Xem ngư dân là công nhân trên biển

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là phía công đoàn đã bảo vệ lợi ích người lao động, xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa công nhân và giới chủ. Theo báo cáo từ năm 2011 tới nay, số cuộc đình công đã giảm trên 70%, từ hơn 800 cuộc đến năm 2013 chỉ còn hơn 330 cuộc.

Về các kiến nghị của công đoàn, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì bàn với các tỉnh có nhiều KCN như Bình Dương, Đồng Nai để tháo gỡ những khó khăn trong việc nuôi con trẻ cho các gia đình công nhân. Không thể cứng nhắc dẹp bỏ các lớp giữ trẻ tự phát. “Cơ sở mầm non những nơi đó mà không xã hội hóa thì không làm được đâu. Giờ mà dẹp thì làm gì có chỗ gửi. Xã hội có nhu cầu, dân tự mở lớp như thế thì chính quyền phải ủng hộ. Phải hỗ trợ đào tạo giáo viên, cấp trang thiết bị cho người ta” - Thủ tướng nói.

Về lương tối thiểu, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang bàn và sẽ sớm có báo cáo với Bộ Chính trị, rồi báo cáo trung ương. Trên cơ sở đó sẽ có định hướng phù hợp với thực tế. Thủ tướng cũng đồng ý sớm sửa đổi các văn bản liên quan tới chính sách cho lao động dôi dư để tạo thuận lợi cho chương trình sắp xếp, đổi mới DNNN đang triển khai.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của 1 triệu ngư dân đang hằng ngày bám biển, Thủ tướng cho rằng cần coi lực lượng này như những công nhân trên biển và phải hỗ trợ tối đa. “Hôm qua, tôi nghe báo cáo việc thí điểm giao cho ngư dân tàu sắt 600 sức ngựa do Vinashine đóng, ra khơi kết quả tốt lắm. Cần tính toán nhân rộng ra. Rồi các ngân hàng đang dư tiền phải sáp vào, đừng để ngư dân bám biển mà phải đi vay nặng lãi. Bộ Tài chính cũng cần tính thêm bảo hiểm cho ngư dân, biển mịt mù thế, nhiều rủi ro lắm” - Thủ tướng lưu ý.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.