Trong dự thảo đầu tiên, ban soạn thảo đã đưa ra Điều 172 với những nội dung rất tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm tách chức năng của Nhà nước với tư cách là một nhà quản lý khỏi vai trò của một nhà đầu tư. Thế nhưng không rõ nguyên nhân vì sao, do tác động nào mà ban soạn thảo lại rút Điều 172 ra khỏi dự thảo Luật DN sửa đổi mới nhất.
Một khi ban soạn thảo đã đưa ra một điều luật có ý nghĩa bước ngoặt, tách bạch vai trò đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước của các bộ, ngành như vậy thì cần phải bảo vệ đến cùng. Nếu còn ý kiến khác nhau thì cũng cần đưa ra Quốc hội thảo luận làm rõ lập luận của cả hai bên để thấy được phương án nào có lợi và lý lẽ nào hợp lý.
Nếu lãnh đạo Chính phủ thấy được tầm quan trọng của việc tái cơ cấu DNNN thì lãnh đạo Chính phủ cũng phải vượt lên chính mình để có thể xây dựng một điều luật có ý nghĩa thúc đẩy cải cách DNNN. Ngay cả nếu vì đụng chạm đến lợi ích của các bộ, ngành mà vấn đề này bị phản đối thì lãnh đạo Chính phủ cũng phải đủ mạnh để bác bỏ.
Những tư tưởng cải cách bao giờ cũng gặp phải rào cản nào đó, nhất là khi hiện nay trong một số lĩnh vực lợi ích nhóm lớn nên có nhiều quyền lực chi phối. Chính vì vậy, ban soạn thảo cần giữ vững lập trường của mình để bảo vệ đến cùng Điều 172, để những tư tưởng cải cách ấy đến được với nghị trường Quốc hội.
Đưa ra được một tư tưởng cải cách tốt là điều đáng mừng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc nêu ra rồi để thua ngay từ giai đoạn soạn thảo thì đấy là điều không hay!
Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN
T.HẰNG ghi