PV được lãnh đạo đề nghị liên hệ trực tiếp với chi cục này để làm việc và đồng ý cấp giấy ủy quyền theo quy định để lãnh đạo chi cục có tư cách trả lời. Nhưng khi hẹn được với lãnh đạo chi cục thì chánh văn phòng Cục lại thông báo “Chưa thể làm giấy ủy quyền để trình cục trưởng ký vì lý do khách quan”. Chỉ khi PV phản ánh trực tiếp với Quyền Cục trưởng Vũ Quốc Doanh và ông này trực tiếp gọi điện thoại chỉ đạo lãnh đạo chi cục trưởng tiếp thì PV mới làm việc được.
Có địa phương thì linh hoạt hơn, tạo điều kiện tối đa cho nhà báo tác nghiệp. Chẳng hạn, một lần liên hệ với chi cục THA cấp huyện ở tỉnh Long An để tìm hiểu một vụ chậm tổ chức THA. Lãnh đạo cơ quan này từ chối gặp với lý do không có thẩm quyền phát ngôn. Chúng tôi phản ánh lại với cục trưởng Cục THADS tỉnh này là ông Nguyễn Văn Gấu thì chưa đầy năm phút sau ông Gấu đã gọi điện thoại chỉ đạo cho chi cục trả lời mà không cần phải có văn bản ủy quyền…
Khoản 2 Điều 2 Quyết định 1431 ngày 5-7-2016 của Bộ Tư pháp quy định cục trưởng Cục THADS cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trường hợp cần thiết, cục trưởng ủy quyền cho người khác bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.
Theo Điều 5 của quy chế này thì khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của Cục và chi cục nhằm định hướng dư luận thì người phát ngôn có trách nhiệm cung cấp thông tin trong thời gian chậm nhất là một ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.
Thế nhưng quy chế lại không nói rõ đối với những vụ việc khác thì chậm nhất bao lâu phải trả lời báo chí. Do đó, nhiều lãnh đạo Cục thường viện lý do bận họp hay đang đi học để kéo dài thời gian trả lời hoặc im lặng luôn.
Chính vì quy định này mà nhiều đơn vị đã “trói tay” báo chí, nó là rào cản khiến PV phải đi tới đi lui, liên tục trì hoãn, kéo dài thời gian. Thậm chí dù cục trưởng đã ủy quyền rồi nhưng cấp dưới vẫn máy móc đòi phải có chữ ký ủy quyền bằng văn bản.
Chúng tôi đã phản ánh những bất cập này đến lãnh đạo Bộ Tư pháp (là cơ quan soạn thảo) và lãnh đạo Tổng cục THADS theo hướng nên giao quyền phát ngôn cho người đứng đầu các đơn vị THA chứ không chỉ hạn chế là cục trưởng. Bởi không phải vụ việc nào ở chi cục thì cục trưởng cũng biết và nắm hồ sơ để trả lời. Mà khi đã không có thông tin thì họ lại có văn bản yêu cầu cấp dưới báo cáo để nắm rồi mới trả lời, mất thời gian, công sức của nhiều người.
Đặc biệt, không nên quy định máy móc là phải có văn bản ủy quyền của cục trưởng thì cấp dưới mới được quyền cung cấp thông tin. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chỉ phản hồi lại ngắn gọn là: Quy chế không sai Luật Báo chí. Một lãnh đạo Tổng cục THADS hứa sẽ xem xét lại để điều chỉnh cho phù hợp nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi…