Theo PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, thực ra không phải đến Điều 122 BLTTHS 2015 luật mới cho phép đặt tiền để tại ngoại. Điều 93 BLTTHS 2003 cũng từng quy định biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Sau đó Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao cũng có Thông tư liên tịch số 17/2013 để hướng dẫn quy định này trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Nhưng người ta ngại làm vì cơ quan nào cũng muốn tiện lợi cho mình. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 70%-80% bị can bị tạm giam. Người ta nói tạm giam sẽ tiện hơn cho cơ quan tố tụng, cụ thể là CQĐT bởi cần hỏi cung thì chỉ đến nơi giam giữ là được. Trong khi nếu bị can tại ngoại phải có giấy triệu tập, lỡ họ vì lý do này, lý do khác không đến thì mất thời gian trong khi thời hạn điều tra theo quy định của BLTTHS không dài.
Vì vậy cơ quan tố tụng đang xuất phát từ hiệu quả hoạt động của hoạt động tố tụng dẫn đến việc họ ưu tiên áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam. Họ chưa nhìn từ góc độ quyền con người, đặc biệt bây giờ là quyền được suy đoán vô tội - người bị buộc tội được coi là không có tội. Ở các nước, người ta cho phép đặt tiền để tại ngoại từ lâu bởi quyền con người, trong đó có quyền tự do phải là cao nhất.
Vấn đề là để thay đổi tư duy nhận thức đó không đơn giản. Theo ông Độ, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan cao nhất thuộc liên ngành, đặc biệt là hệ thống CQĐT. Cạnh đó, khi xét xử, tòa án cần mạnh dạn tuyên hình phạt không phải hình phạt tù trong một số trường hợp bị can bị tam giam để nơi tạm giam phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Tránh trường hợp thấy CQĐT tạm giam, sau đó tòa án không muốn cho bị cáo được hưởng án treo, không muốn áp dụng các biện pháp không phải phạt tù, xét xử kiểu “thông án”, nghĩa là giam bao nhiêu xử phạt tù bấy nhiêu. Cứ hình thành hệ thống kiểu như vậy thì sẽ không bao giờ thực thi được quy định đặt tiền để bảo lãnh tại ngoại vốn rất tiến bộ.
Cũng theo ông Độ, ban hành quy định chỉ là bước đầu tiên, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta cần phải quán triệt nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, không chỉ là quán triệt điều luật mà phải quán triệt cả tinh thần của pháp luật. Cần tổ chức tập huấn để tăng cường áp dụng biện pháp này, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta chú trọng bảo đảm quyền con người, cải cách tư pháp. Không phải ngẫu nhiên mà BLTTHS 2003 đã quy định, BLTTHS 2015 cũng quy định. Đây không phải là biện pháp không hiệu quả mà thực tế là không chịu áp dụng.
“Chúng ta có thói quen áp dụng hình phạt tù, cùng lắm cho hưởng án treo. Phải thay đổi điều đó. Chuyển biến về nhận thức là cả quá trình lâu dài nhưng rõ ràng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không tích cực vào cuộc thì rất khó” - ông Độ nói.