Theo đề án này, chỉ riêng giai đoạn 2013 đến 2020, người dân Việt Nam sẽ cao lên ít nhất 3 cm. Trong bối cảnh kinh tế quốc gia đang gặp rất nhiều vấn nạn bao quanh: nợ xấu, tăng trưởng kém, nạn thất nghiệp gia tăng, thu nhập người dân suy giảm… thì con số hàng ngàn tỉ đồng cùng chỉ tiêu bất khả thi (tăng tối thiểu 3 cm) đang tạo ra nhiều luồng tranh cãi về cách thức Nhà nước xài tiền của dân để chi cho các hoạt động an sinh xã hội, y tế công cộng.
Thứ nhất, chỉ tiêu tối thiểu 3 cm trong vòng bảy năm (2013-2020) là một con số mà theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan - Úc, thì chưa có một quốc gia nào làm được tính đến thời điểm hiện tại.
Một số chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam cho rằng chế độ dinh dưỡng tác động rất mạnh đến tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, thực tế ngay cả ở các quốc gia phát triển, dinh dưỡng đầy đủ như Mỹ, Nhật, Hà Lan, Trung Quốc… thì cao thêm 3 cm trong vòng bảy năm bằng việc tiến hành nghiên cứu hoặc đưa ra các hoạt động dinh dưỡng thể lực thiếu toàn diện là điều gần như không tưởng.
Thứ hai, đúng là chiều cao sẽ được cải thiện mạnh khi dinh dưỡng và thể lực được cải thiện. Tuy nhiên, liệu ngân sách nhà nước sẽ “cõng” được bao nhiêu người “lùn” trở thành người cao trong số 90 triệu dân? Chúng ta có thể tự tin vào con số 6.000 tỉ đồng nhưng trong thực tế người dân cần cả thập kỷ, thậm chí vài thập kỷ để cải thiện chiều cao một thế hệ. Vậy 6.000 tỉ đồng sẽ “chống chịu” được bao lâu so với nhu cầu dân số ngày càng tăng, giá sữa, thực phẩm chức năng… phục vụ chiều cao ngày càng đắt đỏ? Thiết nghĩ nếu như dân ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì việc chi tiêu ngân sách chỉ để bàn chuyện lùn và cao chẳng khác nào mua muối đổ biển trong thời khủng hoảng kinh tế.
Thứ ba, so với nhu cầu “được cao” thì nhu cầu được ăn, được ở, được đi học, được khám, chữa bệnh một cách tử tế, được sử dụng ánh đèn điện… hiện đang cấp bách hơn rất nhiều. Với 6.000 tỉ đồng, sẽ có những tuyến đường nông thôn sáng điện, các bệnh viện giảm tải chuyện “hai, ba bệnh nhân một giường”, không có chuyện bệnh nhân cấp cứu bị cắt quyền lợi; sẽ có thêm những cây cầu để dân không phải vượt sông suối bằng cách “chui vào túi nylon”, trẻ em nông thôn có trường lớp, điều kiện tốt hơn để học hành… Bài học từ Tháp nhu cầu Maslow cho thấy khi điều kiện để “được sống” còn thiếu thì mấy ai nghĩ đến chuyện ăn thêm vitamin, uống thêm sữa… để cao hơn?
Hãy nhìn con đường Nhật đã từng làm, chú trọng phát triển “túi tiền” người dân trước, sau mới đưa ra các chiến lược về dinh dưỡng để dân khỏe, dân cao. Trong 40 năm, chính phủ Nhật nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10 cm. Làm được điều đó, chính phủ cũng đã hao tốn triệu đô, thậm chí là tỉ đô. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chính phủ Nhật chẳng có chiến lược phát triển chiều cao nào cả. Xu hướng tăng chiều cao qua thế hệ xảy ra rất bình thường. Nó xảy ra ở bất cứ quần thể nào, kể cả Việt Nam”. “Tốc độ phát triển kinh tế” và biểu hiện quan trọng là “thu nhập người dân” mới là trọng tâm cho mọi chiến lược tăng cường dinh dưỡng, phát triển thể chất con người.
Thế nên cứ dồn tiền vào chăm lo cho dân phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập như người dân ở Thái, ở Nhật hay ở Singapore; đồng thời cải thiện và phát triển hệ thống y tế công cộng, chính sách an sinh xã hội thật tốt theo kiểu châu Âu thì lo gì người Việt “thấp lùn” so với bạn bè quốc tế!
ĐỖ THIỆN