Ứng với quận này là hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận, chiều tối vẫn đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo niêm phong, cẩu các ô tô dừng, đỗ sai chỗ về nơi quy định để xử lý.
Đã có nhiều lời khen dành cho một ông quận phó “miệng nói, tay làm” để nhiều người biết sợ mà không vi phạm hoặc không tái phạm và chỉ có như thế thì mới đảm bảo được trật tự đô thị. Song cũng có không ít băn khoăn vì chủ xe đã kịp có mặt và còn xin tự lái xe về kho mà vẫn bị cẩu xe. Trong số đó có nhiều xe đời mới khi cài thắng tay sẽ khóa chết bốn bánh xe nên việc cẩu, kéo dễ làm hỏng xe…
Người dân có thể vì cảm tính mà thích hoặc không ưng nhưng ngay cả giới luật cũng năm người mười ý dù cùng xem xét theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Có người quả quyết làm vậy là chuẩn không cần chỉnh; có người cho là cứng nhắc, trái luật nhưng sao là mềm, sao là trúng thì chưa rõ.
Theo khoản 1 Điều 125 Luật XLVPHC, việc tạm giữ xe vi phạm chỉ được áp dụng trong ba trường hợp thật cần thiết sau đây: Một, để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; hai, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; ba, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Tin, bài trên báo chí cho thấy tất cả các ca mà quận 1 cẩu xe đều không thuộc trường hợp 1 (vì đã rõ chủ xe và các thông tin cần thiết khác) nên chỉ có thể là 2 hoặc 3.
Với trường hợp 2, mục đích “ngăn chặn ngay hành vi vi phạm” phải kèm theo điều kiện “nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”. Tuy đậu bậy ở vỉa hè hay trên đường nhưng liệu có vì thế mà gây ra hậu quả ghê hồn như có nguy cơ gây kẹt xe kinh khủng hay gây tai nạn giao thông cho nhiều người…? Nếu câu trả lời là “không” thì trường hợp 2 bị loại trừ.
Với trường hợp 3, cần lưu ý là lỗi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định chỉ bị phạt tiền. Theo đó, người có thẩm quyền chỉ được tạm giữ theo thứ tự (cái này không có thì mới được tính đến cái kia) lần lượt là: Giấy phép lái xe, giấy tờ khác có liên quan đến xe, chiếc xe. Nếu các chủ xe có mang theo bằng lái thì lực lượng chức năng cũng “chưa có cửa” để tạm giữ xe họ theo trường hợp 3. Vậy nếu cả 1, 2, 3 đều không thỏa mãn thì đâu thể nói hết thảy trường hợp cẩu xe của quận 1 đều đúng luật.
Thêm một hướng dẫn cấp bộ minh định trường hợp nào bị cẩu xe để từ đó xác định quận 1 đã làm chưa đúng mà rất có thể nhiều người không biết vì không dễ tìm thấy nguyên văn văn bản trên mạng Internet. Đó là quy định của điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 02 ngày 4-1-2016 của Bộ Công an (người viết xin ghi lại đầy đủ để bạn đọc tham khảo): “Trường hợp người lái xe không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ về việc đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ thì tổ tuần tra, kiểm soát tiến hành lập biên bản vụ việc có chữ ký xác nhận của người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm (nếu có); sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi lại hình ảnh; sử dụng các biện pháp (trực tiếp điều khiển, cẩu, kéo…) đưa phương tiện đó về nơi tạm giữ; thực hiện việc thông báo yêu cầu người vi phạm đến giải quyết và phải chịu mọi chi phí cho việc đưa phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật”.
Đồng ý là cần mạnh tay chế tài, nhất là đối với những trường hợp bất hợp tác nhưng dân sai luật thì chính quyền phải trị đúng luật. Tài sản hợp pháp của người vi phạm hành chính phải được đối xử trong giới hạn cho phép, bởi nếu quá tay hoặc để xảy ra thiệt hại thì chính quyền có thể gặp rắc rối, kiện tụng.
Có lẽ hở chút là cẩu xe ngốn khá nhiều thời gian, nhân lực và cũng phức tạp, chính quyền cần nghiên cứu nhiều biện pháp xử lý mới căn cơ, hiệu quả hơn (như tăng mức phạt lên gấp đôi nếu vi phạm ở nội thành TP.HCM theo Điều 23 Luật XLVPHC, hạn chế xe vào khu vực trung tâm…). Trước mắt, TP nên thống nhất quy trình thực hiện như vắng mặt bao lâu kể từ lúc lập biên bản vi phạm thì cẩu xe, trường hợp nào được dừng cẩu xe… để bớt tùy nghi, tốn kém.