Chiều 19-3, đoàn công tác của quận 1 ra quân xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn. Tại góc đường Trần Hưng Đạo - Trần Đình Xu (phường Nguyễn Cư Trinh), lực lượng chức năng phát hiện chiếc ô tô (của ca sĩ Quách Tuấn Du - PV) đậu trái phép trên vỉa hè nhưng không có tài xế. Lực lượng CSGT lập biên bản, giao cho công an phường niêm phong để cẩu về phường.
Sau khoảng năm phút, ca sĩ Quách Tuấn Du đang có việc tại quán cà phê gần đó chạy ra, tuy nhiên lúc này tổ công tác đã niêm phong xe. Sau đó, ca sĩ Quách Tuấn Du đành phải đến phường đóng phạt để lấy xe.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM: Theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện… Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...”.
Nếu Quách Tuấn Du có các giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe ô tô… và xuất trình giấy tờ, thì không bị tạm giữ phương tiện mà tạm giữ giấy tờ theo quy định. Chỉ khi nào Quách Tuấn Du không có giấy tờ hoặc không chịu xuất trình giấy tờ để tạm giữ thì mới bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm.
Luật sư Lê Quang Vũ, Văn phòng luật sư Người Nghèo: Việc đậu, đỗ xe ô tô trái quy định sẽ bị xử phạt theo Điều 5 Nghị định 46/2016 của Chính phủ và không có nội dung nào tại Điều 5 cho phép tạm giữ xe ô tô khi đậu, đỗ xe trái quy định. Chỉ một số trường hợp điều khiển ô tô có sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn quá quy định, lạng lách, đánh võng, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì có thể bị tạm giữ xe.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trường hợp ca sĩ Quách Tuấn Du như báo chí phản thì chỉ vô ý đỗ xe tại khu vực cấm trong thời gian ngắn, không gây ùn tắc giao thông và khi xử lý có mặt chủ xe ở đó mà cơ quan chức vẫn cẩu xe là không phù hợp pháp luật và tình hình thực tế giao thông tại thời điểm đó.
Mặt khác, theo khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 9 Nghị định 115/2013 của Chính phủ thì: Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Nên nếu trong quá trình cẩu xe hoặc tạm giữ xe ô tô mà xảy ra hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường.