Đừng sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ, tiêu cực...

(PLO)- Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì đối tượng thanh tra sẽ “chuẩn bị vở sạch chữ đẹp” để đón đoàn...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-6, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những vấn đề được các ĐB tranh luận sôi nổi liên quan đến hoạt động thanh tra.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng thanh, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội.

ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình). Ảnh: QH

ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình). Ảnh: QH

Tuy nhiên, ông Hiếu nhận xét hoạt động thanh, kiểm tra này cũng có thể tạo ra những “gánh nặng” không cần thiết cho doanh nghiệp, khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp. Một số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức, đặc biệt, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Từ lập luận trên, ĐB Hiếu đề nghị thiết kế trong dự luật quy định riêng áp dụng với doanh nghiệp, phân biệt với cơ chế thanh, kiểm tra cơ quan, tổ chức khác. Theo ông Hiếu, nguyên tắc thanh tra doanh nghiệp cần thiết kế theo hướng giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; thanh tra theo kế hoạch, được báo trước…

Giơ biển tranh luận, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng trong thanh tra phải có các hình thức vừa theo kế hoạch, vừa phát huy đột xuất. Nhận định này của bà được đúc rút từ kinh nghiệm nhiều năm giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QH

ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QH

“Thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì người ta sẽ chuẩn bị “vở sạch chữ đẹp” để đón tiếp đoàn thanh tra”- bà Lan khẳng định và cho rằng cán bộ thanh tra phải phát huy tất cả mặt mạnh, làm bất ngờ để phát hiện sai phạm.

Theo nữ ĐB Đoàn TP HCM, việc sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ, tiêu cực vô hình chung “trói tay, trói chân” thanh tra, trong khi mục tiêu cao nhất là làm sao để hiệu lực thanh tra tốt nhất.

“Nếu chỉ trông đợi vào thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì thanh tra không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chống tiêu cực thì phải có cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải đào tạo, răn đe, trường hợp sai phạm thì xử lý.

Không phải vì sợ tiêu cực mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là “đến hẹn, lại lên”, mỗi năm thông báo trước với doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó đến thanh tra”- bà Phạm Khánh Phong Lan nói tiếp.

Giải trình thêm sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định việc quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích và yêu cầu của cuộc thanh tra. Kiểm soát hoạt động của các thành viên Đoàn thanh tra nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Ông Phong cho biết cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định này.

Hiện Thanh tra Chính phủ cũng đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan thanh tra và hoạt động của Đoàn thanh tra. Việc này nhằm thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

Tổng Thanh tra cũng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý quy định về trình tự, thủ tục thanh tra.

Cụ thể, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng quy định “khung” chung một số khâu về trình tự, thủ tục cho hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như ban hành Quyết định thanh tra, xây dựng Kế hoạch thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra, ban hành Kết luận thanh tra….

Đồng thời, dự thảo cũng sẽ quy định riêng về trình tự, thủ tục cho thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính phù hợp với đặc điểm quản lý nước theo lĩnh vực và ngành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm