“Một chuyên gia WHO gần đây đã đặt câu hỏi: Việt Nam muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, phát triển bền vững với nền hành chính kiến tạo, phục vụ hay muốn vẫn là một quốc gia “say xỉn?” - bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, kể.
Các quốc gia phát triển đã kiểm soát rượu bia từ rất lâu rồi
. Phóng viên: Thưa bà, thực tế nào khiến Bộ Y tế phải soạn thảo dự luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia?
+ Bà Trần Thị Trang: Thói quen uống rượu bia đã có từ xa xưa nhưng những tác động tiêu cực của nó, nhất là khi sử dụng quá độ, không đúng cách lại ít được nói đến. Hàng ngàn vụ đánh nhau dẫn đến hàng ngàn người phải nhập viện trong các dịp lễ nghỉ, tết, số lượng lớn vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia… là một vấn nạn của xã hội.
Các quốc gia phát triển đã kiểm soát rượu bia từ rất lâu rồi, còn Việt Nam thì giờ mới đặt vấn đề.
. Dường như có một nghịch lý đối với tỉ lệ uống rượu bia giữa nông thôn và thành thị, phải không thưa bà?
+ Những hộ nghèo, cận nghèo… khi dành một khoản tiền cho rượu bia thì đương nhiên càng thiếu điều kiện lo cho bữa ăn hằng ngày, đồ dùng học tập, quần áo… cho con cái và cuộc sống của gia đình.
Nhưng nghịch lý là những người nghèo, cận nghèo lại sử dụng rượu bia rất nhiều. Điều kiện sống khó khăn thì lại làm cho người nghèo dễ mắc các loại bệnh từ rượu bia và không có tiền để chữa trị. Vòng luẩn quẩn của đói nghèo cũng xuất phát từ đây.
Ở cấp quốc gia, chi tiêu cho y tế để khắc phục tác hại của rượu bia là rất cao. Sáu bệnh có nguyên nhân trực tiếp từ rượu bia như ung thư cơ quan tiêu hóa, tim mạch… có thể lên tới 25.000 tỉ đồng. WHO đã thống kê có tới 30 bệnh do rượu bia trực tiếp gây ra.
Giới trẻ hình thành thói quen xấu uống bia mỗi ngày. Ảnh: HTD
Đừng sai “con gái rượu” đi mua rượu
. Dự luật có quy định không bán rượu bia cho trẻ em dưới 18 tuổi. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định như vậy nhưng người ta vẫn bán thuốc lá cho trẻ em. Dự luật này thì sao, thưa bà?
+ Tính khả thi của các quy phạm pháp luật là bài toán khó. Dự luật đặt ra trách nhiệm với người bán rượu bia và yêu cầu tuyên truyền, vận động người bán tuân thủ quy định. Đặc biệt, các bậc cha mẹ phải có ý thức hơn, đừng sai “con gái rượu” đi mua rượu bia cho mình.
Ở các nước, người ta yêu cầu phải kiểm tra căn cước của trẻ em đi mua rượu bia, thuốc lá. Nhưng ở Việt Nam rất khó thực hiện. Chúng tôi kỳ vọng vào việc xử phạt nghiêm minh mỗi khi phát hiện ra việc bán rượu bia trực tiếp cho trẻ em.
Ngăn cản trẻ em tiếp xúc sớm với rượu bia
. Bạn bè tôi khi sang Thái Lan về kể buổi trưa đi mua rượu bia nhưng khách sạn và các tiệm rượu nói rằng chính phủ chỉ cho phép bán sau giờ làm việc và từ chối bán. Dự luật này có làm được điều đó không, thưa bà?
+ Đã có những nghị định, quy định về việc này. Chẳng hạn các cơ quan nhà nước, các khu vực công thì cán bộ, công chức, người lao động không được sử dụng rượu bia trong giờ làm việc. Những nơi này cũng cấm bán rượu bia và công chức, người lao động không có cớ để uống rượu bia trong giờ làm việc.
Tới đây, phạm vi bán rượu bia sẽ được thu hẹp lại, kể cả đối với các trạm dừng chân trên đường cao tốc, quốc lộ… Máy bán nước tự động sẽ không được bán bia để ngăn cản trẻ em tiếp xúc sớm với rượu bia. Ý tưởng cấm bán rượu bia sau 22 giờ cũng đang được tính đến.
. Nhưng các quán nhậu, nhà hàng… có thể hoạt động quá 22 giờ hoặc suốt đêm. Vậy làm sao ta có thể dung hòa định hướng tự do kinh doanh và việc hạn chế giờ bán rượu bia?
+ Chúng ta phải nhìn hai mặt của vấn đề, nhất là khía cạnh bảo vệ sức khỏe, an toàn trật tự xã hội. Vui chơi, giải trí có rượu bia sau 22 giờ có thể không được khuyến khích vì đó là lúc nghỉ ngơi. Nhưng ở các tụ điểm, TP du lịch thì khác. Khách du lịch muốn tận hưởng không khí ban đêm ở TP.HCM, ở Đà Lạt… chúng ta vẫn tôn trọng và phục vụ.
. Phạt nặng những người uống rượu bia mà còn lái xe có phải là một biện pháp để dự luật này sau khi được thông qua mau chóng đi vào cuộc sống hay không?
+ Có thể đây là một biện pháp cần thiết nhưng không phải là mục tiêu của dự luật. Dự luật muốn nhắm đến thay đổi nhận thức, hành vi của người dân khi uống rượu bia, bởi đây không phải là luật chống rượu bia. Luật muốn nhắm tới việc thiết lập, khuyến cáo một lối tiêu dùng rượu bia văn minh, thông minh và an toàn cho cộng đồng.
Người Việt Nam ít có thói quen nghĩ đến an toàn của mình và người khác sau khi uống rượu bia. Cứ uống xong là lên xe máy, ô tô phóng như bay. Đấy là thói quen ăn sâu vào hành vi, suy nghĩ của người dân. Gần đây, nhờ tuyên truyền mạnh tình trạng này mới thay đổi được một chút.
Ngân sách không trông vào những người say xỉn
. Sabeco, Habeco… hiện đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách mỗi năm. Dự luật này liệu có làm ngân sách mất đi một khoản thu lớn không?
+ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trước đây cũng nhận được câu hỏi này từ Chính phủ, các bộ, ngành và các công ty thuốc lá. Nhưng sau bốn năm thực thi, ngân sách nhà nước không bị thất thu đáng kể. Đổi lại, công sở, nơi công cộng giảm được khói thuốc lá; tỉ lệ hút thuốc lá đã giảm từ hơn 47% xuống còn 45%... Ngân sách nhà nước có thể giảm đi tí chút nhưng người dân được lợi nhiều hơn.
Rượu bia là nhóm nộp ngân sách cao nhưng khi có luật phòng, chống tác hại của rượu bia, ngân sách nhà nước cũng không giảm đi nhiều bởi lượng người sử dụng rượu bia vẫn tăng hằng năm.
Nếu tỉ lệ người uống rượu bia giảm đi thì đó là một tín hiệu đáng mừng. Việt Nam muốn phát triển bền vững, chắc chắn không thể chỉ chăm chăm thu ngân sách từ thuốc lá, rượu bia hay dầu thô mà phải phát triển những ngành kinh tế xanh khác. Bởi với một quốc gia khởi nghiệp như Thủ tướng nói thì môi trường và sức khỏe người dân là rất quan trọng.
Ngoài ra, còn nhiều cách để tăng ngân sách như kiểm soát trốn thuế, chuyển giá. Ngân sách không thể nhắm đến nguồn thu từ những người say xỉn.
. Quy định ngành rượu bia phải đóng góp 1%-2% vào quỹ phòng, chống tác hại rượu, bia cho đến năm 2025 có thể người dân sẽ phải gánh, thưa bà?
+ Đây là một trong những biện pháp hạn chế tiêu dùng rượu bia hữu hiệu của thế giới. Nguồn đóng góp này sẽ chi trả cho truyền thông về tác hại của rượu bia và thực hiện những biện pháp nâng cao sức khỏe cho người dân. Giá rượu bia có thể tăng lên một chút nhưng người dân sẽ phải cân nhắc việc sử dụng rượu bia cho phù hợp. Cái được lớn hơn là người dân, doanh nghiệp sẽ dành thêm nguồn lực cho việc thực hiện các trách nhiệm xã hội. Lối sống lành mạnh, lối tiêu dùng văn minh chắc chắn sẽ được khuyến khích và triển nở.
. Vậy kỳ vọng lớn nhất của Bộ Y tế đặt vào dự luật này là gì? Dự luật có làm mất vị thế “nhậu giỏi… nhì Đông Nam Á” không, thưa bà?
+ Lợi ích và sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn khi những tác hại của rượu bia đối với sức khỏe cộng đồng được kiểm soát. Rượu bia là để thưởng thức chứ không phải để uống tràn lan, “dzô dzô” tối ngày.
. Xin cám ơn bà.