Theo hồ sơ, anh T. và chị TTH kết hôn năm 2007. Do cuộc sống phát sinh nhiều mâu thuẫn, đầu năm 2012, chị H. đã nộp đơn xin ly hôn. Tòa sơ thẩm chấp nhận, đồng thời tuyên giao con chung của hai người là cháu D. cho chị H. nuôi. Đến năm 2013, chị H. có chồng mới, về sống với gia đình chồng ở xã khác trong huyện. Chị H. đã giao cháu D. cho cha mẹ chị nuôi dưỡng.
Trong đơn yêu cầu thay đổi người nuôi con, anh T. trình bày rằng đã nhiều lần lui tới thăm nom nhưng bị ông bà ngoại cháu D. cấm cản. Ngày 13-4-2014 âm lịch, nhân dịp nghỉ hè, anh T. có xin rước cháu D. về nhà ông bà nội để cúng căn cho cháu nhưng ông bà ngoại cháu không cho. Anh T. đã trình báo sự việc với chính quyền địa phương, sau đó nộp đơn yêu cầu tòa cho anh được quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu D. và không yêu cầu chị H. phải cấp dưỡng.
Tại phiên xử sơ thẩm, ông bà ngoại của cháu D. phản bác những lời trình bày của anh T. Tòa sơ thẩm không muốn làm xáo trộn cuộc sống của cháu D. nên không chấp nhận yêu cầu của anh T.
Anh T. kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang nhận định: Hiện chị H. đã lập gia đình, đã có con với chồng mới. Điều kiện nuôi dưỡng cháu D. của chị H gặp nhiều khó khăn do phải lo cho gia đình riêng, dẫn đến việc chị phải giao cháu D. cho cha mẹ.
Trong khi đó, anh T. có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đang độc thân nên có điều kiện nuôi cháu D. tốt hơn so với chị H. Từ đó, tòa đã tuyên án như trên.
HOÀNG NHÂN