AFF Cup là giải đấu quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á, nơi mỗi trận đấu thường cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt và khát vọng vô địch. Thái Lan vẫn lên ngôi ở cuộc chơi này nhiều nhất với 7 lần, trong khi tuyển Việt Nam xếp sau với 3 lần vô địch, sau 15 mùa tổ chức. Nhìn lại mùa giải AFF Cup 2024 có những điểm nhấn đáng chú ý sau:
Thất bại đau đớn của tuyển Thái Lan
Đội tuyển Thái Lan luôn được coi là ứng viên nặng ký tại mỗi kỳ AFF Cup, đã không thể bảo vệ ngôi vương. Dù sở hữu chất lượng cầu thủ và kinh nghiệm không đến nỗi nào, "Voi chiến" phải trải qua hành trình gian nan với những trận thắng chật vật trước Singapore và Campuchia, rồi thua ngược Philippines - điều chưa từng xảy ra trong hơn nửa thế kỷ.
Đỉnh điểm là thất bại cả hai lượt trận chung kết trước kình địch Việt Nam. Trận thua trên sân nhà Rajamangala đã khiến Thái Lan phải nhường ngôi vương cho đội tuyển Việt Nam đầy cay đắng.
Việt Nam giành lại ngôi vương
Dưới thời HLV Kim Sang-sik, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện phong độ xuất sắc với 7 chiến thắng và 1 trận hòa, không để thua trận nào trong suốt giải đấu. Điều này minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của Việt Nam sau giai đoạn chuyển giao từ HLV Park Hang-seo sang đàn em người Hàn Quốc Kim Sang-sik.
Điểm sáng lớn nhất chính là sự kỷ luật trong chiến thuật, khả năng phòng ngự vững chắc (chỉ thủng lưới 6 bàn) và hiệu quả trong tấn công. Chiến thắng trước Thái Lan trong cả hai lượt trận chung kết khẳng định vị thế số 1 khu vực của Việt Nam.
Indonesia và Malaysia gây thất vọng
Cả hai đội tuyển Indonesia và Malaysia đều không vượt qua được vòng bảng, là điều khiến người hâm mộ của họ thất vọng sâu sắc. Indonesia, dù có sự tiến bộ vượt bậc trong vài năm qua, đã phải nói lời chia tay sớm khi không thể tận dụng sức mạnh của đội hình trẻ trung. Malaysia cũng chịu cảnh tương tự khi chỉ giành được 5 điểm tại vòng bảng, dù từng được xem là ứng cử viên sáng giá. Cả hai đội tuyển cần những thay đổi lớn để lấy lại vị thế trong khu vực.
Sự phát triển của các đội bóng nhỏ
Các đội tuyển Campuchia, Myanmar, và Lào đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể. Campuchia, dù bị loại từ vòng bảng, đã ghi được 2 bàn vào lưới Thái Lan và Malaysia, điều hiếm khi xảy ra trước đây. Lào và Myanmar cũng khiến các đối thủ mạnh phải vất vả, tạo nên sự cạnh tranh thú vị và nâng cao chất lượng giải đấu.
Giải đấu có nhiều bàn thắng nhất trong 20 năm
AFF Cup 2024 ghi nhận 91 bàn thắng, chỉ xếp sau kỷ lục 113 bàn của giải năm 2004. Trận chung kết lượt về giữa Thái Lan và Việt Nam, với tổng cộng 8 bàn thắng, là minh chứng cho sự hấp dẫn và kịch tính của giải đấu.
Nguyễn Xuân Son giành cú đúp giải thưởng
Cầu thủ nhập tịch đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Nguyễn Xuân Son đã chứng minh giá trị của mình tại AFF Cup 2024. Dù chỉ được ra sân từ trận cuối vòng bảng, tiền đạo gốc Brazil này nhanh chóng khẳng định đẳng cấp với 2 bàn thắng và 2 kiến tạo trong chiến thắng 5-0 trước Myanmar.
Anh tiếp tục ghi tổng cộng 7 bàn trong 5 trận, giành cú đúp danh hiệu "Vua phá lưới" và "Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu." Sự hiện diện của Xuân Son tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Trong 3 trận đầu, Việt Nam chỉ ghi được 6 bàn. Khi Xuân Son góp mặt, đội tuyển tăng tốc với 15 bàn trong 5 trận kế tiếp. Anh không chỉ mạnh mẽ, nhanh nhẹn mà còn sở hữu kỹ thuật tốt, khả năng chơi bóng bổng và dứt điểm sắc bén.
Đặc biệt, tầm quan trọng của Son càng được minh chứng trong trận chung kết lượt về với Thái Lan, khi hàng thủ đối phương chơi dễ thở hơn nhiều sau khi anh phải rời sân vì chấn thương. Xuân Son chính là mảnh ghép hoàn hảo mà Việt Nam đã tìm kiếm từ lâu. Nếu hồi phục kịp thời và trở lại, anh chắc chắn sẽ tiếp tục là trụ cột của đội tuyển Việt Nam trong các giải đấu quốc tế.
Sự nổi bật của các tài năng trẻ
Giải đấu này là một cơ hội lớn cho nhiều tài năng trẻ tỏa sáng. Từ Bùi Vĩ Hào (Việt Nam), Suphanat Mueanta (Thái Lan) cho đến Marcelino Ferdinand (Indonesia), những cầu thủ này đã khẳng định vai trò quan trọng trong đội hình và hứa hẹn tương lai đầy triển vọng.
VAR cần được cải thiện
Hệ thống VAR tại sân chơi AFF Cup 2024 gặp nhiều vấn đề, nhất là độ trễ và quyết định gây tranh cãi. Trung tâm điều hành VAR đặt tại Malaysia khiến việc truyền tín hiệu về sân diễn ra chậm chạp, ảnh hưởng đến nhịp độ trận đấu.
Trong trận chung kết lượt về trên sân Rajamangala, có đến 15 phút bù giờ do các tình huống cần kiểm tra VAR. Thêm vào đó, nhiều tình huống gây tranh cãi không được xử lý triệt để, làm giảm tính công bằng của giải đấu. AFF cần nâng cấp chất lượng VAR và đội ngũ trọng tài để đảm bảo sự công bằng và chuyên nghiệp trong các mùa giải sau.
Lịch thi đấu dày đặc
Với 8 trận trong vòng 30 ngày, nhiều đội bóng đã gặp khó khăn về thể lực, di chuyển khó khăn, mất thời gian và phải sử dụng đội hình không tối ưu. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của giải đấu. Rất nhiều HLV đã than phiền về vấn đề này. AFF cần cân nhắc lại lịch thi đấu để đảm bảo chất lượng các trận đấu.
Hạn chế của sân cỏ nhân tạo
Việc sử dụng sân cỏ nhân tạo như tại Rizal Memorial (Philippines) gây khó khăn cho các đội khách và làm giảm chất lượng các trận đấu. AFF nên đưa ra quy định bắt buộc sử dụng sân cỏ tự nhiên để nâng cao tiêu chuẩn giải đấu.
Nhìn chung, AFF Cup 2024 đã khép lại với nhiều cảm xúc và dấu ấn đậm nét. Đội tuyển Việt Nam xứng đáng với chức vô địch, trong khi các đội bóng khác cũng rút ra được nhiều bài học quý giá. Đây là bước đệm giúp bóng đá Đông Nam Á vươn xa hơn trên đấu trường quốc tế.