Ngày 8-5, tại UBND xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu, Tây Ninh), VKSND tỉnh này đã tổ chức buổi xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958, ngụ huyện Gò Dầu) bị bắt oan cách đây 40 năm.
Dùng nhục hình làm oan
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dựa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, nói: “Hôm nay, tôi đứng chỗ này tha thiết mong ông Dũng đáp tạ lời xin lỗi. Sự kiện này do lịch sử để lại nhưng hôm nay sự xin lỗi này cũng đáng quý, có lỗi phải xin lỗi, có sai phải sửa. Thời gian bị bắt giam rất dài, không phải chỉ trong bốn năm mà nỗi đau đó còn kéo dài, dai dẳng hơn 40 năm qua. Đó là nỗi đau về tinh thần, danh dự và nhân phẩm của ông Dũng với gia đình...”.
Theo ông Dựa, VKSND tỉnh và CQĐT tỉnh có trách nhiệm trong vụ này. Bởi những người bắt giam và điều tra ông Dũng không tuân thủ đầy đủ tố tụng, đã dùng nhục hình để buộc ông phải nhận tội. Việc lập hồ sơ vụ án không khách quan nên đã khởi tố oan với ông Dũng. VKSND huyện Trảng Bàng cũng không làm tròn trách nhiệm với vai trò là cơ quan giám sát.
“Là một quân nhân Việt Nam tham gia tình nguyện tại chiến trường Campuchia, khi về Việt Nam thì ông Dũng bị bắt. Sau đó ông được cho là đào ngũ, bị xã hội kỳ thị vì cho rằng đó là thân phận xấu. Ông và gia đình đã bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, nhất là danh dự của quân nhân, đưa đẩy gia đình ông vào hoàn cảnh mặc cảm khó khăn, không nơi nương tựa phải bỏ xứ mà đi để chôn giấu quá khứ, thân phận” - Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Dựa nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: AM
Nỗi đau của người cựu chiến binh
Ông Dũng đáp lại lời xin lỗi: “Còn nỗi nhục nào hơn khi nhìn cảnh vợ và những đứa con thơ không dám nhìn đời vì có người chồng, người cha mang thân phận là người bộ đội đào ngũ, ăn cướp, để rồi suốt cuộc đời phải sống kiếp làm thuê, làm mướn…”.
Theo ông Dũng, nếu thời gian qua VKSND tỉnh cầu thị thì vụ việc của ông không kéo dài đằng đẵng và mất nhiều thời gian, tiền bạc và đẩy ông cùng gia đình đến bế tắc như hiện nay. Nhưng với sự chân thành, cầu thị nhìn nhận sai của VKS hôm nay, ông tin rằng cơ quan tố tụng sẽ lấy đó làm bài học xương máu cho việc thực thi công lý.
Trước đó, ông Dũng yêu cầu xin lỗi tại nơi ông công tác khi bị bắt vào năm 1979, là ở Sư đoàn 317 đóng ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Tuy nhiên, VKSND tỉnh Tây Ninh đưa ra một số quy định và muốn tổ chức xin lỗi ông Dũng ở địa phương. Đồng thời, ông Dũng cũng muốn tập trung để giải quyết vụ việc của bảy nạn nhân còn lại trong vụ án này nên ông đồng ý theo VKS.
Theo hồ sơ, năm 1976, ông Dũng lên đường nhập ngũ, được đưa sang Campuchia chiến đấu với vị trí tiểu đội trưởng một tiểu đội thuộc Sư đoàn 317, Quân khu 7. Đến tháng 7-1979, ông được đơn vị cho về thăm gia đình. Tối 26-7-1979, tại địa phương xảy ra một vụ cướp có vũ khí và ông Dũng cùng bảy người trong gia đình bị bắt giam.
Sau hơn bốn năm tạm giam, CQĐT Công an tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Dũng và những người trong gia đình nên quyết định trả tự do cho họ. Tuy vậy, những quyết định đình chỉ vụ án dù đã có vẫn không được trao cho ông và các thành viên khác trong gia đình. Sau đó ông Dũng quay lại Campuchia xin được tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng bị từ chối tiếp nhận vì lý do chưa có quyết định nào minh định ông không phạm tội.
Tiếp đó, ông Dũng nhiều lần khiếu nại CQĐT Công an tỉnh, VKSND tỉnh Tây Ninh thì nhận được quyết định đình chỉ điều tra. Ông là người duy nhất nhận được quyết định ở thời điểm đó. Bảy người còn lại trong gia đình ông Dũng tới ngày 4-4-2019 mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra.
Được bồi thường 615 triệu đồng Về bồi thường oan, ông Dũng đã khởi kiện VKSND tỉnh, yêu cầu bồi thường hơn 10,4 tỉ đồng. Năm 2018, TAND tỉnh Tây Ninh xử và tuyên buộc VKS phải thực hiện việc xin lỗi công khai đối với ông Dũng, bồi thường cho ông số tiền 615 triệu đồng. |