Clip: Nhân viên khách sạn đuổi bốn người đi xe máy đang trú cơn giông lốc.
Chiều 29-8, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip cho thấy một nam nhân viên khách sạn mặc vest màu đen đã đuổi bốn người đi xe máy đang trú cơn giông lốc trước sảnh khách sạn. Nhóm người này gồm hai phụ nữ và hai trẻ em.
Trong clip, người được cho là nhân viên của khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel đuổi những người trú mưa khỏi sảnh trong cơn giông lớn kèm gió lốc chiều qua, tôi không muốn bàn nhiều đến sự đúng sai.
Bởi lẽ, nếu xét cho cùng mà nói, sảnh khách sạn không phải là địa điểm công cộng để người dân có thể khi cần là vào trú mưa, khi cần là có thể chiếm dụng. Tôi nhìn ở đó câu chuyện về thái độ và cảm xúc giữa người với người, cụ thể hơn là với những người dù ở quốc gia nào, màu da nào cũng luôn được ưu tiên trong những tình huống khẩn nguy: Đó là phụ nữ và trẻ em.
Người phụ nữ và cháu nhỏ giữa cơn cuồng nộ của thời tiết bắt buộc đã phải lựa chọn nương náu vào một nơi mà họ cảm thấy an toàn và tiện lợi nhất. Trong clip được phát tán, rất khó để nghe được diễn biến câu chuyện từ đầu đến cuối, hay những đối thoại qua lại của nhân viên khách sạn với người trú mưa nhưng người ta dễ nhìn vào đó câu chuyện của thái độ và cảm xúc.
Cái chỉ tay dứt khoát, cái thái độ kiên quyết của nhân viên khách sạn với những người đồng bào của mình là điều rất dễ nhìn thấy.
Thấy nhiều người đi xe máy trong đó có cả phụ nữ và trẻ em vào sảnh tòa nhà Grand Plaza (Hà Nội) để trú mưa, nam nhân viên mặc vest ra phản ứng.
Chị TTH (người quay lại đoạn clip) trên chia sẻ với báo chí rằng: “Chúng tôi vừa đứng lại một lúc thì có một người đàn ông đuổi chúng tôi là “đi ra ngoài kia, đi ra ngoài kia ngay, ở đây như thế này mà lại đứng được à”.
Vì có con nhỏ nên tôi xin nán lại một chút họ cũng không cho và nhất quyết đuổi bằng được mọi người ra khỏi nơi đang trú mưa. Trong khi tôi chỉ đứng sát lên một cái vỉa hè nhỏ, không hề cản trở khách sạn ra vào nhưng vẫn bị đuổi đi".
Còn chị Đàm Thu Huyền (36 tuổi, quản lý lễ tân khách sạn Grand Plaza) thì chia sẻ một thông tin khác. Vị quản lý cho biết nhân viên khách sạn đã dùng lời lẽ rất lịch sự với người dân: "Chị ơi, chị đi sang bên chỗ phía đằng kia để đỗ, để trú vì đường đấy là đường khách VIP đi vào" chứ không hề nặng lời, không hiểu sao mạng xã hội lại rầm rộ phản pháo như vậy.
Kể cả lời nói của nhân viên kia có như thế đi chăng nữa, thì lời nói của anh cũng khó song hành với thái độ và cử chỉ của anh trong clip. Chẳng ai có thể bắt người ta phải suy nghĩ làm sao cho thanh cao, lịch lãm, thế nào cho nhân văn, đạo đức nhưng khi nó được biểu hiện ra bằng hành động thì cộng đồng rộng rãi có quyền bày tỏ thái độ và ứng xử của mình với cá nhân người đó.
Thế nên, người Việt hiện đại vẫn có câu: Quan trọng là thái độ. Nhân viên khách sạn đã không có một thái độ tốt, không có một ứng xử phù hợp thì cái kết không mong muốn đã xảy ra. Hậu quả đó không chỉ riêng anh ta hứng trọn, mà nơi trả lương cho anh đang phải chịu bão táp từ dư luận. Thôi thì, đó cũng là một hiệu ứng để điều chỉnh cách ứng xử của con người với nhau.