Vụ bê bối buôn bán nội tạng người gây chấn động Nam Phi đã có kết quả đầu tiên. Bệnh viện Netcare KwaZulu thuộc Tập đoàn Netcare đang điều hành mạng lưới bệnh viện tư nhân lớn nhất Nam Phi ngày 10-11-2010 đã phải nộp phạt 7,8 triệu rand (khoảng 1,2 triệu USD) theo phán quyết của tòa án tội phạm thương mại thành phố Durban do liên quan đến đường dây buôn nội tạng bất hợp pháp này.
Bệnh viện Netcare KwaZulu - một mắt xích trong đường dây buôn bán nội tạng
Báo chí Nam Phi lần đầu tiên phanh phui vụ việc vào năm 2003 khi người ta phát hiện một số công dân Israel tới Nam Phi để chờ được phẫu thuật thay thận. 9 người Brazil và 2 người Israel bị bắt do môi giới cho những bệnh nhân Do Thái giàu có mua thận của nhiều người Brazil và Romania nghèo khó. 5 bác sĩ của Netcare cũng bị buộc tội vì dính líu đến đường dây buôn nội tạng quốc tế này.
Theo điều tra ban đầu, nguồn thận được lấy từ chính công dân Israel nhưng sau đó chuyển sang người Brazil và Romania do họ bán giá rẻ hơn. Thông thường, với mỗi vụ làm ăn, những kẻ môi giới sẽ móc nối với khoảng 30 người đàn ông có nhu cầu bán tạng. Những ai vượt qua các cuộc kiểm tra y tế sẽ được đưa tới Nam Phi, nơi một quả thận của họ sẽ được lấy đi trước khi trở về nhà. Cảnh sát cho biết, người "hiến" tạng sẽ nhận được khoảng 10.000 đến 13.000 USD cho mỗi quả thận, số tiền trong mơ đối với nhiều người nghèo. Thế nhưng, thật khó tưởng tượng khi qua tay những kẻ môi giới, giá của nó sẽ vào khoảng 120.000 USD.
Ngoài lợi nhuận khổng lồ, nhu cầu được ghép tạng luôn cao hơn khả năng đáp ứng khiến lĩnh vực này vẫn đang là một "ngành kinh doanh" béo bở cho nhiều kẻ hám lợi, bất chấp sự trừng phạt của luật pháp. Tại nhiều nước phương Tây, danh sách những người chờ được ghép tạng như thận, gan và tủy sống vẫn ngày càng dài thêm. Tại Anh, mỗi năm có 400 người thiệt mạng khi đang chờ được hiến nội tạng. Trong khi đó, ở Mỹ, cứ một ngày trôi qua có 17 người qua đời vì suy tim, gan, thận... Còn tại Israel, thời gian trung bình của một người đợi để được ghép thận là 4 năm. Vì lẽ đó, thị trường nội tạng chợ đen được hình thành và hoạt động ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ, trong khi các bệnh viện tại Nam Phi đang ngày càng nổi lên như một trung tâm cấy ghép nội tạng danh tiếng trên thế giới.
Người giàu nhưng yếu ớt mua nội tạng của những người khỏe mạnh nhưng nghèo, một số người đang nói tới sự mở rộng của khái niệm chủ nghĩa thực dân trong sinh học. Theo đó, sức mạnh kinh tế không chỉ khiến người ta có thể khai thác tài nguyên từ thế giới nghèo mà còn cả những phần cơ thể của những con người ở đó. Nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn việc mua bán tạng trái pháp luật cũng như làn sóng ra nước ngoài để cấy ghép nội tạng với hy vọng có thể giảm bớt những mặt tối của "ngành công nghiệp" xuyên quốc gia này.
Theo Minh Nhật (HNM)