Dù muộn nhưng em Hào cũng đã được giải thoát. Bức xúc, căm phẫn về hành vi tàn độc của vợ chồng chủ trại tôm có lẽ đang hiển hiện trong tâm trạng của bất kỳ ai khi biết chuyện. Nhưng đằng sau câu chuyện này là những câu hỏi cần phải được mổ xẻ để đừng có một em Hào thứ hai trong tương lai.
Vắng bóng tổ chức xã hội địa phương
Đường dây nóng dành cho trẻ em khi cần gọi kêu cứu có không? Có! Số của nó là 18001567, thuộc Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hoạt động từ năm 2004 đến nay. Trẻ em cả nước khi gặp chuyện gì cần tư vấn, kể cả kêu gọi trợ giúp khẩn cấp đều có thể gọi vào số này. Nhưng những trẻ em như Hào có bao giờ được nghe nhắc đến để biết mà gọi? Chưa kể, số của nó dài ngoằng làm sao trẻ em nhớ nổi. Sau nhiều lần giám sát, hội họp, có lần Hội đồng nhân dân TP.HCM đã đề nghị nên có đường dây nóng cho trẻ thật ngắn gọn theo kiểu nhấn 113 để gọi cảnh sát và được cung cấp tới từng gia đình nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Từ năm 2008, sau khi giải thể Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em từ cấp trung ương đến địa phương, bộ phận cán bộ chăm sóc, bảo vệ trẻ em thiếu hụt trầm trọng và mỗi địa phương đang hoàn thiện dần. Nhưng sự phủ kín cán bộ còn quá chậm, đến nay mà từ xã đến ấp nơi em Hào sinh sống không có lấy một cán bộ làm công tác trẻ em, cũng không có cộng tác viên chăm sóc trẻ em. Trách nhiệm này thuộc về ai? Câu trả lời nằm ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh. Nhưng nếu cán bộ bảo vệ trẻ em chưa có thì vẫn còn chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội địa phương. Họ đâu rồi?
Mẹ của em Hào đang chăm sóc em trong bệnh viện. Ảnh: TRẦN VŨ
Luật để bảo vệ các em trong trường hợp này cũng có. Cụ thể, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em có 10 quyền cơ bản: quyền được chăm sóc nuôi dưỡng; quyền sống chung với cha mẹ; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội; quyền vui chơi giải trí... Em Hào gần như bị tước đoạt tất cả các quyền trên. Chắc chắn có phần lỗi của mẹ em.
Cha mẹ bỏ mặc con trẻ
Khi con em của mình bị bạo hành, những bậc làm cha làm mẹ hay than nghèo kể khổ vì hoàn cảnh mới cho con nhỏ đi làm thuê. Trong những trường hợp trẻ đi làm thuê bị bạo hành (như vụ bốn em bé bị bạo hành ở quận Tân Bình, vụ bé Trang trong đường dây chăn dắt trẻ xin ăn ở quận 8…) có một mẫu số chung là cha mẹ các em gần như phó mặc các em cho chủ. Hằng tháng, họ nhận những đồng tiền mồ hôi nước mắt của con mình làm ra mà không cần biết trẻ sống chết thế nào. Họ có lờ mờ biết con mình làm vất vả nhưng bỏ mặc. Một phần do nhận thức kém, một phần do tình yêu thương, trách nhiệm với đứa con mình rứt ruột đẻ ra chưa đủ lớn để thôi thúc họ phải kéo con về phía mình mà che chở, bảo bọc. Về phần đứa trẻ, ý chí đấu tranh, bỏ trốn của nó gần như bị tê liệt vì luôn bị đe dọa bằng những câu quen thuộc của các ông bà chủ: “Cha mẹ mày còn nợ của tao nhiều lắm, mày mà trốn là cha mẹ mày phải đi tù”. Trường hợp của Hào cũng vậy, mẹ của em có gọi điện thoại nói với ông chủ trại tôm rằng muốn đưa con đi nơi khác làm công nhưng chủ không cho. Thế là thôi, bà vẫn cứ thản nhiên để con mình ở trong đó mà rất ít khi vào thăm con.
NGUYỄN HOÀNG ANH (40/19 Ấp Bắc, phường 13, Tân Bình, TP.HCM)
Tội ác không thể dung thứ! Phải đọc đi đọc lại và đến khi xem hình ảnh em Hào với đầy thương tích trên người, tôi mới tin trên đời này có những hạng người độc ác, nhẫn tâm như thế! Theo tôi, bọn họ không còn tính người, các cơ quan chức năng phải xử lý họ thật nghiêm khắc. nguyenngocphuong… @yahoo.com.vn Tôi đã không thể nào ngủ được sau khi đọc bài viết trên báo về trường hợp cháu Hào bị hành hạ. Hình ảnh thương tâm của cháu cứ ám ảnh tôi. Sáng 3-5, tôi đã gọi điện thoại cho phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau để tìm hiểu rõ hơn sự việc. Chúng tôi sẽ gửi công văn yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh phải xử lý nghiêm những người đã hành hạ cháu. Bà LÊ THỊ THU, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Vợ chồng chủ trại tôm quá tàn bạo, dã man! Cả hai phải được nhận một bản án thích đáng với những tội ác đã gây ra cho em Hào. Có vậy mới đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục những kẻ vô nhân tính, coi thường sức khỏe, mạng sống của người khác, nhất là đối với trẻ em. Vai trò giám sát và trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng cần được làm rõ trong việc này. haanh333… @gmail.com |