- Xung quanh sự việc em Hào Anh 14 tuổi ở Cà Mau bị hai vợ chồng chủ trại tôm giống (Giang - Thơm) hành hung đến mức em bị mất 67% sức khỏe - rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ và cho đây là hành động dã man, độc ác, vô nhân tính... Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào, thưa ông?
Dã man thì đã rõ rồi, người có hành động đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và pháp luật đã quy định rất rõ hình phạt đối với những hành động như thế.
Tôi nghĩ sự việc này phải tiếp cận dưới góc độ quản lý Nhà nước, theo đó, việc sử dụng lao động trẻ vị thành niên là sai với quy định của Luật Lao động. Như vậy, sự việc này xảy ra là do không quản lý nghiêm lao động ở các cơ sở kinh doanh - đây cũng là tình trạng rất phổ biến hiện nay.
Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Kiều Minh
Tôi thấy chúng ta không thiếu văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cùng với đó, nước ta là nước đầu tiên của châu Á, nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em từ rất sớm (1990), có những chủ trương, chính sách, hoạt động cụ thể để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - nên để xảy ra việc hành hạ trẻ em như trường hợp ở Cà Mau là không thể chấp nhận được.
- Ông nghĩ thế nào về thái độ và trách nhiệm của những người xung quanh trước việc em Hào Anh bị hành hạ trong thời gian dài mà những người biết lại không tố giác: những người hàng xóm, thậm chí cả trưởng công an ấp Phú Hiệp đến trại tôm chơi nhưng cũng không phát hiện được gì?
Đó là sự vô cảm. Một sự việc kéo dài như vậy mà không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Tôi không muốn nói đến việc một người bình thường thấy sự việc đó, mà tôi muốn nói đến hệ thống chính trị dày đặc ở các địa phương (Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội) - không một địa phương nào mà không có Mặt trận tổ quốc, Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... mà lại để kéo dài tình trạng bạo hành trẻ em như vậy, đến khi sự việc được công luận biết đến thì lại hỏi nhau "trách nhiệm thuộc về ai?"
Để xảy ra tình trạng ấy (hành hạ trẻ em kéo dài - PV) cho thấy một bộ máy quản lý lỏng lẻo, vô hiệu quả, vô trách nhiệm. Cần phải xem lại vai trò của bộ máy chính quyền sở tại.
- Theo ông, xử lý vụ việc có thực sự được nghiêm minh không, khi mà mẹ của nạn nhân (em Hào Anh) đã nhận bồi thường vài chục triệu đồng và gửi đơn bãi nại yêu cầu không xử lý hình sự với vợ chồng chủ trại tôm hành hạ dã man con mình ?
Việc xử lý những người hành hạ trẻ em thì cứ theo pháp luật mà làm - cho dù người mẹ có nhận tiền thì vẫn phải xử lý nghiêm. Chúng ta có nhiều luật để căn cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ việc này như Luật Hình sự; Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
- Xin cảm ơn ông.
Kiều Minh thực hiện (VTC News)