Theo thông tin trên báo chí, Công an huyện Ðầm Dơi đã khởi tố thêm vợ chồng chủ trại tôm Giang-Thơm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Ðiều 104 BLHS (có mức hình phạt là từ 5 đến 15 năm tù). Nhưng theo tôi, các cơ quan pháp luật của Cà Mau có thể áp dụng khoản 4 điều luật này để xử phạt họ thật nặng.
Khoản 4 Ðiều 104 BLHS dành cho trường hợp phạm tội dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với mức hình phạt là tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn trường hợp cố ý gây thương tích như thế nào thì thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Năm 1993, khi còn là phó chánh tòa Tòa Hình sự TAND Tối cao, tôi được tăng cường vào Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM để xét xử phúc thẩm một số vụ án. Khi HÐXX phúc thẩm về tỉnh Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ), tôi được phân công làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm một vụ án xảy ra trong trại tạm giam của công an tỉnh.
Hào Anh lúc còn ở BV đa khoa huyện Ðầm Dơi (Cà Mau). Ảnh: TRẦN VŨ
Tại đây có một số phạm nhân được xem là “đầu gấu” trong trại. Khi có phạm nhân mới vào, nhóm “đầu gấu” đó bắt họ hầu hạ, nhường suất cơm cho chúng, chúng ăn còn thừa thì mới được ăn. Khi chúng ngủ thì phải ngồi hầu quạt, ai không nghe sẽ bị đánh đập. Bọn chúng còn cắt máu các phạm nhân mới vào pha với nước để uống thay cho rượu...
Hành vi của nhóm “đầu gấu” này kéo dài hơn một năm mới bị phát hiện. Do có nhiều nạn nhân đã chuyển trại, đã chấp hành xong hình phạt tù rồi về quê nên cơ quan điều tra không thể triệu tập họ để lấy lời khai và giám định tỉ lệ thương tật. Trong 10 nạn nhân còn lại xác định được địa chỉ, người có tỉ lệ thương tật cao nhất cũng chỉ 9%, người thấp nhất có 1%.
Vụ án này gây bất bình trong dư luận vì làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công tác quản lý các trại giam. Thế nhưng tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ xử theo khoản 2 Ðiều 109 BLHS năm 1985 (đã được sửa đổi, bổ sung). Sau khi xét xử sơ thẩm, VKS tỉnh kháng nghị đề nghị tòa án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 3 Ðiều 109 BLHS và tăng hình phạt đối với các bị cáo.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi cũng thấy hành vi phạm tội của các bị cáo vô cùng nghiêm trọng nên đã thống nhất với HÐXX phúc thẩm là chuyển từ khoản 2 lên khoản 3 Ðiều 109 với tình tiết định khung hình phạt là “phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” và tăng hình phạt đối với tất cả bị cáo. Theo đó, mức phạt dành cho các bị cáo cao nhất là 18 năm tù, nhẹ nhất là 10 năm tù.
Sau khi xét xử vụ án này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng tôi áp dụng tình tiết “phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” là không chính xác. Thay mặt HÐXX, tôi có báo cáo với chánh án TAND Tối cao xem xét việc có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không. Tuy nhiên, bản án hình sự phúc thẩm trên đã không bị kháng nghị. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa gặp trường hợp tương tự nào mà tòa án áp dụng tình tiết này.
Từ vụ việc nêu trên, theo tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cà Mau có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự vợ chồng Giang-Thơm theo khoản 4 Ðiều 104 BLHS với tình tiết “phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”. Tôi tin rằng cách xử lý này đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và sẽ được dư luận đồng tình.
ÐINH VĂN QUẾ Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao
(ÐỨC MINH ghi)