Vụ bé Hào Anh ở Cà Mau bị hành hạ dã man: Phải tính thêm thiệt hại phi vật chất

Ý kiến của Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế trong bài Vụ hành hạ dã man trẻ ở Cà Mau: Có thể xử Giang-Thơm ở khung cao nhất (Pháp Luật TP.HCMngày 12-5) là hoàn toàn xác đáng. Cá nhân tôi cũng tin rằng nếu các cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm vợ chồng chủ trại tôm theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) thì sẽ đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm (đặc biệt là đối với trẻ em) và phù hợp với mong mỏi của xã hội.

Đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Tội cố ý gây thương tích là loại tội có cấu thành vật chất. Nghĩa là chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi phạm tội có gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác. Tức hậu quả là yếu tố không thể thiếu trong loại tội này. Tùy thuộc vào mức độ hậu quả nhẹ hay nặng mà người phạm tội sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt thấp, cao. Chẳng hạn, nếu tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người (hoặc 31%-60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định) thì bị xử lý theo khoản 3 (với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù). Nếu phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị xử lý theo khoản 4 (với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân).

Chi li vậy để thấy rằng về mặt lý luận, việc phạm tội “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” chính là việc phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ bé Hào Anh ở Cà Mau bị hành hạ dã man: Phải tính thêm thiệt hại phi vật chất ảnh 1

Do đã làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của Hào Anh nên vợ chồng Giang-Thơm cần bị nghiêm trị. Ảnh: TRẦN VŨ

Có thiệt hại vật chất và cả phi vật chất

Thời trước có một vụ án “đình đám” từng gây bức xúc trong dư luận, từng có nhiều tranh cãi là xử tội gì và cuối cùng thì các cơ quan pháp luật đã xử lý rất thích đáng. Đó chính là vụ các “quý tử” đua ôtô ở TP.HCM vào giữa năm 2003.

Đầu tiên, các cơ quan pháp luật định xử lý các đối tượng tội đua xe trái phép. Nhưng trên thực tế thì các bị can chưa gây ra thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác (là những dấu hiệu bắt buộc của loại tội này). Sau đó, các cơ quan đã chuyển sang tội gây rối trật tự công cộng cho phù hợp. Đối với tội này thì đòi hỏi phải có tình tiết gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúc bấy giờ cũng chưa có văn bản hướng dẫn việc gây ra hậu quả nghiêm trọng cho riêng tội gây rối trật tự công cộng. Bằng cách vận dụng những hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng trong tất cả tội phạm nói chung, hai cấp tòa án sơ và phúc thẩm đã xử lý được các “quý tử” về tội này. Theo đó, hậu quả nghiêm trọng bao gồm các thiệt hại vật chất (như thiệt hại về sức khỏe, làm ùn tắc giao thông...) và cả các thiệt hại phi vật chất (gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội...). Hướng dẫn này có thể tìm thấy trong Thông tư liên tịch số 02 ngày 25-12-2001 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc áp dụng một số quy định của các tội xâm phạm sở hữu… (có trước thời điểm xảy ra vụ án đua xe) và trong Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội gây rối trật tự công cộng (có hiệu lực sau thời điểm xảy ra vụ án đua xe).

Không thể xử theo án lệ

Khi bàn về vụ bé Hào Anh, ông Đinh Văn Quế có đưa ra một vụ án mà ông đã trực tiếp xét xử vào năm 1993 để gợi ý cho các tòa cấp dưới xử Giang-Thơm theo khoản 4 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung là phạm tội “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”. Nhưng cần lưu ý là pháp luật hình sự của ta không cho phép áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Chúng ta cũng không có án lệ nên không thể nói cái trước xử được thì bây giờ cũng xử được.

Từ vụ “quý tử” đua xe đã nêu ở trên có thể rút ra nguyên tắc xử lý chung. Khi chưa có văn bản chi tiết thì các cơ quan pháp luật vẫn có thể căn cứ vào các quy định của BLHS, đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong BLHS để xác định việc phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nêu tại khoản 4 Điều 104 BLHS chính là việc phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các thiệt hại được xem là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tội này gồm có những thiệt hại đến sức khỏe và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Bởi hành vi phạm tội của Giang-Thơm ngoài việc làm cho bé Hào Anh có tỉ lệ thương tật đến 66,83%, còn gây ra những thiệt hại phi vật chất khác.

Chính xác thì Giang-Thơm đã vi phạm nghiêm trọng các quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cách thức phạm tội hết sức dã man của hai bị can đã gây căm phẫn trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của chính quyền, lòng tin của người dân vào hệ thống chínhtrị địa phương cũng như hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em… Do đó, hành vi phạm tội của Giang-Thơm đã đủ dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo khoản 4 Điều 104 BLHS.

Đánh giá từng vụ

Nghị quyết 02/2003 nêu rõ: “Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản theo hướng dẫn, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không”.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm