Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang chọn khung tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu

(PLO)- Chính phủ cho biết dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang nghiên cứu xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu.

Sau khi tiếp thu ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, Chính phủ lý giải nhiều vấn đề mà các cơ quan Quốc hội quan tâm, chẳng hạn như nguồn vốn, hiệu quả đầu tư dự án.

Trong nước sẽ làm được ray và ghi đường sắt cao tốc

Theo Chính phủ, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đạt được nhiều mục tiêu như phát triển công nghiệp đường sắt, tạo công ăn việc làm, hình thành khu đô thị… Song song đó, ước tính của tư vấn, dự án tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỉ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỉ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỉ USD.

Với quy mô nền kinh tế như hiện nay, Chính phủ khẳng định việc đầu tư dự án được xem là “đã chín muồi”.

Về ý kiến của một số thành viên thuộc các cơ quan Quốc hội về việc làm rõ lựa chọn khung tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật dự án, Chính phủ cho biết theo quy định của Luật Xây dựng, khung tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng và trình phê duyệt trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Còn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang trình Quốc hội, Chính phủ tham khảo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu. Đây là hệ thống tiêu chuẩn hiện đại, có phạm vi áp dụng rộng rãi tại các nước châu Âu, có tính mở, là bộ tiêu chuẩn tham khảo cho nhiều nước soạn thảo tiêu chuẩn của riêng mình như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hiện nay, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ từng bước ban hành một số tiêu chuẩn đường sắt cao tốc được soạn thảo theo tiêu chuẩn châu Âu và đang tiếp tục lộ trình chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn này.

Chính phủ khẳng định đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Chính phủ cho biết dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công nên việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai trong giai đoạn khai thác để đầu tư phương tiện, trả phí thuê hạ tầng; kêu gọi đầu tư các khu giao thông công cộng (TOD), các khu thương mại, dịch vụ tại các khu ga; đầu tư các ga tiềm năng, các ga bổ sung khi có nhu cầu vận tải đủ lớn.

Về vật liệu, dự án cần khoảng 3,5 triệu tấn thép, 6,72 triệu tấn xi măng, 17.4 triệu m3 đá, 80 triệu m3 đất đắp và 9.7 triệu m3 cát và trong nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Riêng với ray và ghi đường sắt hiện nay, một số tập đoàn trong nước đang nghiên cứu đầu tư sản xuất, có khả năng cung cấp các vật tư này trong thời gian tới.

Đối với phương tiện, thiết bị công nghệ về đầu máy, toa xe, tín hiệu điều khiển chạy tàu... trong nước chưa thể cung cấp. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều đối tác cung cấp. Đối với thiết bị thông tin, tín hiệu thông thường và điện trong nước có thể cung cấp phần lớn.

Nguồn thu từ đất dự kiến 22 tỉ USD

Chính phủ cho biết dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, chưa có tiền lệ, dự kiến triển khai trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD. Con số này tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỉ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay; khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (khởi công dự án).

Như vậy, trong kỳ trung hạn 2021-2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 538 tỉ đồng đã được Chính phủ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỉ đồng và giai đoạn 2031-2035, khoảng 871.302 tỉ đồng.

Chính phủ đề xuất do đây là dự án đặc biệt ưu tiên nên Chính phủ sẽ cân đối và trình Quốc hội quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm từng thời kỳ, nguyên tắc là bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia. Đồng thời, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, giảm chi thường xuyên cho dự án.

Thêm vào đó, Chính phủ cho biết quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Về các chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ cho hay hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công được thông qua trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; giai đoạn sau năm 2030 hiện chưa có các chỉ tiêu về an toàn nợ công.

Sơ bộ đánh giá tác động của dự án đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công đến năm 2030 đối với dự án cho thấy cả ba tiêu chí nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia thấp hơn mức cho phép. Riêng hai tiêu chí về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách tăng (bội chi ngân sách bình quân 4,1% GDP so với mục tiêu 3% GDP; chỉ tiêu trả nợ trực tiếp khoảng 33%-34% GDP so với mục tiêu 25% GDP).

Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần huy động nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nên mức bội chi tăng lên là cần thiết. Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 được Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua có nội dung điều chỉnh quan điểm phát triển, điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó dự kiến bội chi ngân sách được điều chỉnh lên 5%.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết việc đánh giá các chỉ tiêu an toàn nợ công nêu trên chưa xem xét đến tác động do việc tăng trưởng GDP trong thời gian xây dựng. Bởi theo tính toán của Bộ KH&ĐT khi dự án xây dựng GDP tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm mỗi năm so với không đầu tư dự án.

Ngoài ra, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chưa tính đến phần chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trả nợ. Hoặc nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD, khai thác thương mại, dự kiến khoảng 22 tỉ USD.

“Các yếu tố này sẽ góp phần cải thiện các chỉ tiêu tài chính vĩ mô…” - Chính phủ khẳng định.

Suất đầu tư dự án đường sắt cao tốc có cao?

Theo Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỉ USD, tương đương suất đầu tư 43,7 triệu USD/km. Đây là suất đầu tư ở mức trung bình so với một số tuyến trên thế giới quy đổi về thời điểm năm 2024.

Suất đầu tư các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới.

Thêm vào đó, các tuyến có chiều dài ngắn, suất đầu tư trung bình có xu hướng cao hơn do phải đầu tư đầy đủ các công trình phục vụ khai thác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới