Đường sắt cao tốc Đài Loan - Bài 2: Thua lỗ ba năm liền

Từ khi Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan được thành lập vào năm 1998, đến nay tổng số tiền thua lỗ lên tới 72,3 tỉ đài tệ (44.826 tỉ đồng VN), chiếm 2/3 vốn công ty.

Chủ tịch hội đồng quản trị ra đi

Năm cổ đông lớn của Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan gồm Tập đoàn Thái Bình Dương, Tập đoàn Đông Viên, Tập đoàn Trường Vinh, Tập đoàn Phú Bang và Công ty Công trình Đại Lục. Do cả năm cổ đông không đồng ý đầu tư thêm, ngày 22-9-2009, công ty triệu tập khẩn cấp cuộc họp hội đồng quản trị. Bà Ân Kỳ đã xin từ chức sau gần 12 năm đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị bổ nhiệm ông Âu Phổ Đức thay thế.

Bà Ân Kỳ tổng kết có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ: Số lượng hành khách vận chuyển không đạt mức dự kiến; tiền lãi ngân hàng quá cao; và chi phí khấu hao thiết bị trong thời hạn giấy phép kinh doanh 35 năm quá lớn. Ngoài ra, các kế hoạch khai thác đất đai dọc tuyến đường sắt cao tốc đều không thực hiện được.

95% doanh thu của đường sắt cao tốc đến từ hành khách vận chuyển. Tháng 9-2007, số hành khách vượt ngưỡng 10 triệu lượt người. Con số này tăng lên 20 triệu lượt vào tháng 3-2008, 50 triệu lượt vào tháng 2-2009 và đến đầu tháng 8-2009 mới thực sự bước sang ngưỡng 100 triệu lượt.

Đường sắt cao tốc Đài Loan - Bài 2: Thua lỗ ba năm liền ảnh 1

Tàu cao tốc Đài Loan vào ga. Ảnh: TL

Hiện nay, số hành khách vận chuyển bình quân mỗi ngày khoảng 100.000 lượt người. Mức vận chuyển này chưa như dự kiến ban đầu là mỗi ngày từ 300.000 lượt người trở lên. Theo Chủ tịch Âu Phổ Đức, để kinh doanh có lãi, bình quân mỗi ngày số hành khách phải đạt từ 145.000 lượt người trở lên.

Một nguồn thu nhập khác của đường sắt cao tốc là khai thác khu vực nhà ga và dọc tuyến đường sắt. Ý tưởng ban đầu là thế nhưng do công tác quy hoạch khu vực sân ga không hợp lý, cộng thêm kinh tế Đài Loan trong 10 năm qua bị trì trệ nên các khu vực khai thác trên đạt doanh thu rất thấp.

Lãi ngân hàng quá nặng

Doanh thu thua lỗ nghiêm trọng nhưng công ty phải trả các khoản tiền khổng lồ. Đầu tiên là tiền lãi ngân hàng. Năm 2008, tiền lãi ngân hàng là 17,4 tỉ đài tệ (10.788 tỉ đồng VN), chiếm 70% tổng doanh thu. Trong sáu tháng đầu năm nay, công ty đã trả lãi 5,5 tỉ đài tệ (3.410 tỉ đồng VN), chưa kể các chi phí nhân sự, quản lý kinh doanh. Tính ra bình quân mỗi ngày công ty phải chi tiền lãi ngân hàng, chi phí nhân sự, chi phí quản lý lên tới 110 triệu đài tệ (68,2 tỉ đồng VN).

Kế đến là khoản khấu hao thiết bị. Trong 35 năm kinh doanh theo giấy phép, công ty phải hoàn thành khấu hao dần vốn đầu tư 480 tỉ đài tệ (297.600 tỉ đồng VN). Năm 2008, khoản khấu hao dần lên tới 19 tỉ đài tệ (11.780 tỉ đồng VN). Do đó, tháng 1-2009, thay vì khấu hao dần, công ty khấu hao theo tỉ lệ phần trăm số hành khách. Dù vậy, đây vẫn là gánh nặng. Ngoài ra, từ ngày 20-11-2009, công ty bắt đầu phải trả dần tiền gốc vay ngân hàng. Báo chí Đài Loan khi đó lo lắng công ty không trụ được hết năm 2009.

Theo Phó Giáo sư Đường Vĩnh Hồng ở Học viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Hạ Môn, vấn đề chính ở đây là cơ cấu tài chính không kiện toàn. Trong quá trình xây dựng, Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan quá dựa dẫm vào vốn đầu tư bên ngoài trong khi vốn của công ty không đủ mạnh. Áp lực tiền lãi ngân hàng hình thành từ đó.

Đường sắt cao tốc Đài Loan - Bài 2: Thua lỗ ba năm liền ảnh 2

Quầy bán vé tại nhà ga tàu cao tốc Đài Bắc. Ảnh: TL

Theo thỏa thuận ban đầu, năm cổ đông lớn phải bỏ vốn 420 tỉ đài tệ (260.400 tỉ đồng VN). Tuy nhiên, khi đó năm cổ đông chỉ góp được 12,5 tỉ đài tệ (7.750 tỉ đồng VN). Công ty buộc phải vay thêm ngân hàng 390 tỉ đài tệ. Như vậy tiền vay chiếm tới 93% tổng vốn đầu tư. Mặc dù từ đầu năm 2009, lãi suất từ 8% đã được giảm xuống còn 2,6% nhưng tiền lãi hằng năm phải trả vẫn rất lớn.

Một vấn đề khác là công ty đã đánh giá tính khả thi của công trình đường sắt cao tốc quá lạc quan và không dự báo đầy đủ ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do kinh tế trì trệ trong 10 năm gần đây. Hơn nữa, thời gian đi vào vận hành kinh doanh bị trì hoãn liên tục, chậm trễ gần 10 năm nên không chỉ chi phí tăng lên mà doanh thu cũng bị ảnh hưởng.

Hồn Trương Ba da hàng thịt

Tinh thần của phương án xây dựng đường sắt cao tốc theo công thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) là hoàn toàn do tư nhân gánh vác việc xây dựng và quản lý kinh doanh.

Khi công trình được đưa ra đấu thầu rộng rãi, Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan trúng thầu bởi đã đưa ra các điều kiện rất ưu đãi: Giá thành xây dựng dự kiến 336,6 tỉ đài tệ (208.692 tỉ đồng VN), thấp hơn so với đối thủ và không cần nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư. Thế nhưng chỉ hai tháng sau khi trúng thầu, công ty đã liên tiếp vay tiền ngân hàng và quỹ tiền tệ của nhà nước.

Mặc dù biết nguy cơ thua lỗ nhưng nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy và bộ máy lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ vẫn chỉ đạo cho công ty vay tiền. Sau khi đảng Dân tiến cầm quyền, tình hình tài chính công trình đường sắt cao tốc ngày một khó khăn trong khi năm cổ đông lớn không tăng thêm vốn. Ngân hàng nghĩ đến nguy cơ rủi ro quá cao nên không cho vay thêm. May nhờ quan hệ tốt với chính quyền, chủ tịch hội đồng quản trị là bà Ân Kỳ không những được ngân hàng cho vay thêm mà còn huy động thêm vốn từ các doanh nghiệp của chính quyền.

Hiện nay, chính quyền (thông qua ngân hàng, doanh nghiệp và cơ cấu tiền tệ) đã trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 37% cổ phần trong Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan. Về hình thức, công ty vẫn là công ty tư nhân nhưng trên thực tế đã đi vào giai đoạn do chính quyền chỉ đạo kinh doanh. Tình hình này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Nếu thất bại, toàn bộ các khoản thua lỗ và nợ nần sẽ do chính quyền gánh hết.

Đêm 3-8, tàu cao tốc Đài Loan đã đón chào hành khách đầu tiên của lượt khách thứ 100 triệu sau ba năm rưỡi đi vào vận hành kinh doanh. Vị khách may mắn này được hưởng một năm miễn phí vé tàu cao tốc, không hạn chế số lần đi tàu. Theo kết quả điều tra công bố ngày 23-7 của Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan, 88,6% hành khách từng đi tàu cao tốc được hỏi cho biết có ấn tượng tốt với tàu cao tốc. 53,2% người được hỏi cho biết họ chưa bao giờ đi tàu cao tốc. Chủ tịch Hội đồng quản trị Âu Phổ Đức lạc quan cho rằng điều này cho thấy tàu cao tốc vẫn còn số lượng hành khách dồi dào và tin tưởng công ty đang bước vào thời kỳ thu lợi nhuận.

HOÀNG HẠNH (Theo Tài Chính Trung Quốc, China Review News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm