Đường sắt cao tốc Đài Loan - Bài 1: 27 năm cho một đề án

Đề án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Đài Loan được đưa ra từ năm 1980 nhằm giải quyết nhu cầu vận tải liên tỉnh ngày một tăng cao. Tháng 12-1987, Đài Loan thành lập Sở Chuẩn bị công trình đường sắt cao tốc, sau đổi thành Cục Đường sắt cao tốc Đài Loan. Năm 1990, Viện Hành chính Đài Loan (nội các) phê chuẩn với thời gian dự kiến hoàn thành trong sáu năm.

Năm ưu điểm dự kiến ban đầu

Theo đề án, đường sắt cao tốc chạy xuyên qua ba thành phố lớn tại Bắc, Trung và Nam khu vực phía tây lãnh thổ Đài Loan. Chính quyền Đài Loan nhận định đường sắt cao tốc có năm ưu điểm như sau:

- Năng lực vận tải cao: Tàu cao tốc có thể chuyên chở mỗi ngày từ 300.000 lượt người trở lên. Như vậy năng lực vận tải hành khách tăng gấp 3,7 lần so với tuyến đường bộ cao tốc Trung Sơn (từ cảng Cơ Long đến cảng Cao Hùng) và gấp 2,5 lần tuyến đường bộ cao tốc số 2 (từ cảng Cơ Long đến cảng Đại Bằng).

- Vận tốc: Với vận tốc tối đa dự kiến đạt trên 300 km/giờ có thể rút ngắn thời gian đi trên tuyến Bắc-Nam từ 5 đến 6 tiếng xuống còn 90 phút.

- Đúng giờ: Với hệ thống vận hành tiên tiến có thể bảo đảm tàu chạy rất đúng giờ (tàu hỏa cao tốc Shinkansen của Nhật chạy chỉ sai số về thời gian bình quân 0,4 phút).

Đường sắt cao tốc Đài Loan - Bài 1: 27 năm cho một đề án ảnh 1

Tàu cao tốc 700T tại ga Đài Bắc. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Không bị thời tiết ảnh hưởng: Tàu cao tốc chạy trên đường ray riêng và kết hợp với chức năng lái tự động nên tương đối không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như các phương tiện vận tải khác.

- An toàn: Tàu cao tốc vận hành trên đường ray riêng theo lệnh điều khiển tập trung của trung tâm điều khiển trung ương, phối hợp đồng bộ giữa hệ thống điều khiển tự động với thiết bị thắng tự động khẩn cấp. Dọc theo tuyến đều có lắp đặt các máy đo dữ liệu về động đất, gió mạnh, lở đá, mưa to.

Đề án xây dựng đường sắt cao tốc theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) cần kinh phí khổng lồ, thời gian thu hồi vốn lâu, lại phải giải tỏa đất đai và nguy cơ trong thi công cao, trong khi đó hệ thống pháp luật liên quan không thỏa mãn yêu cầu của đề án. Do đó, Bộ Giao thông Đài Loan đã ban hành Điều lệ khích lệ công dân tham gia xây dựng giao thông nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà nước. Điều lệ chính thức thi hành ngày 5-12-1994.

Tư nhân trong nước đấu thầu

Cuối tháng 10-1996, Bộ Giao thông Đài Loan mời các công ty tư nhân trong nước tham gia đấu thầu. Có hai công ty tư nhân đăng ký gồm Công ty TNHH Cổ phần Ủy quyền khai thác Trung Hoa và Liên minh Doanh nghiệp đường sắt cao tốc Đài Loan. Ngày 25-9-1997, đề án đấu thầu của Liên minh Doanh nghiệp đường sắt cao tốc Đài Loan được chọn bởi phương án xây dựng đưa ra tổng kinh phí 336,6 tỉ đài tệ (208.692 tỉ đồng VN). Năm 1998, Liên minh Doanh nghiệp được đổi tên thành Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan.

Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan trình lên Cục Đường sắt cao tốc Đài Loan hai bản ghi nhớ, trong đó có các điều khoản: Nếu chính quyền không hoàn thành những việc cần làm trong thời gian quy định của bản ghi nhớ thì công ty có quyền chủ động chấm dứt hợp đồng và Bộ Giao thông phải bồi thường mọi tổn thất cho công ty.

Qua nhiều lần thương lượng, cuối cùng hợp đồng xây dựng được ký kết ngày 23-7-1998. Theo đó, thời hạn giấy phép vận hành kinh doanh là 35 năm bắt đầu từ năm 1998 đến năm 2033. Thời hạn sử dụng đất quy hoạch là 50 năm. Sau khi giấy phép kinh doanh hết hạn sẽ chuyển giao lại cho nhà nước theo phương thức có bồi thường hoặc không. Ba năm trước khi bàn giao (tức năm 2030), Bộ Giao thông sẽ thông báo cơ quan tiếp quản cho công ty biết.

Đường sắt cao tốc Đài Loan - Bài 1: 27 năm cho một đề án ảnh 2

Bên trong tàu cao tốc 700T chạy tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Đài Loan. Ảnh: TL

Năm 1999, tức trễ một năm so với giấy phép vận hành kinh doanh, đường sắt cao tốc được khởi công,  dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10-2005. Do tiến độ thi công công trình điện cơ, hệ thống biển báo và chạy thử đều chậm nên thời gian thông xe hoãn lại một năm. Đến tháng 10-2006, báo cáo nghiệm thu công trình độc lập chưa xong nên thời gian thông xe lại hoãn.

Cuối cùng ngày 5-1-2007 mới thông xe thử nghiệm tuyến Bản Kiều (Đài Bắc) - Tả Doanh (Cao Hùng). Ngày 1-2-2007, tuyến Bản Kiều chính thức đi vào vận hành kinh doanh và ngày 2-3-2007 chính thức thông xe toàn tuyến Đài Bắc - Cao Hùng.

Một chuyến đi Nhật, từ bỏ châu Âu

Hệ thống đường sắt cao tốc Đài Loan áp dụng theo hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật. Thiết kế các bộ phận chi tiết, hệ thống điện cơ, hệ thống biển báo đều theo tiêu chuẩn châu Âu. Đường ray được thiết kế theo tiêu chuẩn khoảng cách 1.435 mm. Trung tâm quản lý vận hành tàu cao tốc được đặt tại ga tàu cao tốc Đào Viên (TP Đào Viên).

Ban đầu, theo đề nghị của Liên minh Đường sắt châu Âu, Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan lựa chọn hệ thống điện cơ kết hợp giữa tàu cao tốc TGV của Pháp với tàu ICE của Đức. Sau chuyến thăm Nhật của ông Lý Đăng Huy (nhà lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ), công ty chuyển sang sử dụng hệ thống điện cơ của Nhật.

Liên minh Đường sắt châu Âu cho rằng công ty vi phạm hợp đồng và đã chấm dứt hợp đồng. Kết quả hai bên phải nhờ đến trọng tài kinh tế quốc tế giải quyết. Công ty phải bồi thường cho đối tác 2,1 tỉ đài tệ (1.302 tỉ đồng VN). Nghiêm trọng hơn, do chuyển đổi hệ thống điện cơ nên phải mất thời gian chỉnh sửa lại thống nhất với các hệ thống khác, thời gian thông xe bị chậm trễ, kéo dài đến ngày 2-3-2007 mới chính thức thông xe toàn tuyến.

Về tàu cao tốc, Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan sử dụng tàu 700T được cải tiến từ tàu 700-E Shinkansen của Nhật. Tàu có tốc độ thiết kế cao nhất là 300 km/giờ. Tàu gồm 12 toa, trong đó có một toa thương mại (66 chỗ) và 11 toa tiêu chuẩn (923 chỗ). Tất cả ghế ngồi đều có thể xoay 180o. Trọng tải của tàu khi không có khách khoảng 503 tấn.

Giá vé gần 2.300 đồng VN mỗi km

Vé tàu cao tốc của Đài Loan được chia làm hai loại:  Vé chính thức và vé ưu đãi.

Vé chính thức gồm vé toa tàu tiêu chuẩn và toa tàu thương mại. Vé ưu đãi bằng 50% giá vé chính thức, gồm vé kính lão (người già), vé nhân ái (người tàn tật) và vé trẻ em. Bộ Giao thông Đài Loan quy định giá vé tiêu chuẩn là 3,655 đài tệ (gần 2.300 đồng VN)/km. Công ty khai thác được phép tăng giá tối đa 20% mức tiêu chuẩn.

Tại các ga tàu cao tốc đều có hệ thống bán vé thủ công và bán vé tự động. Hành khách cũng có thể đặt mua vé qua điện thoại, Internet, thanh toán bằng tiền mặt, thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng. Từ ngày 23-3, hành khách có thể đặt và mua vé tại các cửa hàng Family Mart và từ ngày 21-4, tại hệ thống cửa hàng 7-Eleven. Cách thức này rất thuận tiện cho khách du lịch vì có thể đặt mua vé 24/24 giờ qua điện thoại hoặc Internet, sau đó lấy vé và trả tiền tại các cửa hàng trên hoặc thanh toán trên mạng rồi lấy vé tại các cửa hàng này. Hành khách có thể đặt vé 1 tiếng trước khi tàu chạy hoặc trong vòng 15 ngày.

HOÀNG HẠNH (Theo New Taiwan, China Review News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm