Vào đúng dịp nghỉ tết Dương lịch, do vậy sau khi được đưa vào khai thác buýt nhanh BRT được vận hành khá suôn sẻ.
Nhiều hành khách tỏ ra hứng thú với những trải nghiệm mới từ buýt nhanh BRT.
Rất đông hành khách trên xe.
Bác Bùi Thị Xuân Hảo ở chợ hôm Trần Xuân Soạn (Hà Nội) chia sẻ: “Thích nhất là nhà chờ, các cụ đi lên như là đi trên đường bằng, không phải bước lên bước xuống lên bậc vất vả, tôi thấy xe buýt nhanh BRT rất thuận lợi”.
Tuy nhiên theo quan sát, tại một số ngã tư nơi có các tuyến đường giao cắt hoặc chỗ quay đầu xe những phương tiện như xe máy, ô tô khi chuyển làn đã dừng hoặc chuyển làn không đúng quy định.
Nhiều người vẫn chưa biết lối vào của nhà chờ xe buýt nên đã ở ngoài nhà chờ. Trong hôm nay, một trường hợp do lần đầu đi xe buýt nhanh không biết lối vào nhà chờ trên đoạn đường Lê Trọng Tấn nên người này đứng ngay dưới bậc cửa của một nhà chờ. Khi xe đến, cửa của nhà chờ và cửa xe buýt mở đồng loạt khiến hành khách bị mắc kẹt không lên được xe. Tuy nhiên, ngay sau đó nhân viên xe buýt đã xuống giúp đỡ.
Nhiều phương tiện tạt ngang sang đầu xe hoặc khi dừng đèn đỏ để chuyển làn đỗ ngay phần làn của xe buýt nhanh, trong khi đó đèn xanh cho đường đi thẳng vẫn còn.
Điều này khiến cho tốc độ của xe buýt có chút ảnh hưởng khi phải chờ các phương tiện khác sang đường rồi mới lại tiếp tục hành trình.
Một số người sang đường khiến lái xe phải giảm tốc độ. Theo ghi nhận trên chiếc xe buýt nhanh biển số 29B-153.29 khởi hành lúc 11 giờ trưa 1-1 tại bến Kim Mã và một xe buýt nhanh biển số 29B-154.67 xuất bến Yên Nghĩa lúc 12 giờ cùng ngày, hai chiếc xe buýt nhanh chỉ mất khoảng 42 phút để có thể vượt qua chặng đường dài 15 km. So với ngày thường xe buýt nhanh có thể mất một giờ đồng hồ mới có thể đi từ điểm đầu đến điểm cuối thực hiện công việc đón, trả khách.