Đại tá Riho Uhtegi - chỉ huy đặc nhiệm của Lực lượng Quốc phòng Estonia - trả lời phỏng vấn tờ Politico cho hay Estonia đã suy nghĩ về một “mối đe dọa Nga” rõ ràng vào lúc nào đó nhưng chắc chắn không ai có thể đi xa trong trận chiến. Ông đã mô tả cách Nga “giành chiến thắng” nếu tấn công thủ đô Tallinn của nước này.
Binh sĩ Estonia diễu binh kỷ niệm 100 năm Estonia độc lập tại thủ đô Tallinn hôm 24-2. Ảnh: AFP
"Có rất nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này. Ví dụ như: Nga sẽ tới được Tallinn trong hai ngày. Có thể thế. Nhưng họ không thể giành được toàn bộ Estonia chỉ trong hai ngày được. Họ có thể tiến đến Tallinn nhưng chúng tôi sẽ cắt các kênh thông tin liên lạc, các nguồn cung cấp và mọi thứ khác. Họ vào được Tallinn trong hai ngày nhưng họ sẽ chết tại Tallinn và họ biết điều đó. Họ sẽ bị thiêu rụi từ mọi ngóc ngách và trong mỗi bước đi” - ông Uhtegi đe dọa.
Đại tá cho biết việc kiềm chế Nga đòi hỏi không chỉ có sự tham gia của quân đội, mà là của mọi người dân Estonia. "Chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền cho người dân rằng việc phản kháng trong chiến tranh phải được bắt đầu ngay ngày hôm nay. Chúng tôi phải sẵn sàng cho bất cứ điều gì và tập huấn cho mọi người phải làm gì nếu điều đó xảy ra" - ông Uhtegi nói - “Tôi không biết tình hình sẽ như thế nào nếu người Nga thật sự phát động chiến tranh. Nhưng đó chính là những gì mọi người dân Estonia sẽ chiến đấu”.
Ông Uhtegi không phân tích căn nguyên đứng đằng sau thuyết âm mưu Nga xâm lược Estonia - một thành viên NATO. Bình luận của ông Uhtegi đưa ra sau tuyên bố của cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves hồi tháng trước rằng nếu Nga quyết định tấn công Estonia, ngay sau đó Nga có thể mất quyền kiểm soát St. Petersburg, Tomsk và Omsk.
Đơn vị đặc nhiệm của Lực lượng Quốc phòng Estonia gồm 6000 quân, được thành lập vào ngày 8-5-2008. Vào cuối năm 2012, chính phủ Estonia đã phê duyệt việc thành lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên biệt và vào tháng 8-2014 đơn vị này được cấp quy chế hoạt động đặc biệt.
Nga thường xuyên được NATO và các nước thành viên của khối dán nhãn là “mối đe dọa”. NATO viện vào lý do này để tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn và tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới Nga. Đáp trả, Nga khẳng định nước này không bao giờ tìm cách đối đầu, nhấn mạnh rằng trong khi Nga tập trận trên đất của chính mình thì Mỹ cũng làm điều tương tự nhưng trên lãnh thổ nước khác.