EU thống nhất áp giá trần khí đốt, Nga nói 'không vội trả đũa'

(PLO)- Sau khi các nước thành viên EU đồng ý áp giá trần đối với khí đốt ở mức 191 USD/megawatt giờ, phía Nga nói hành động này là "không thể chấp nhận" song khẳng định "sẽ không vội trả đũa".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-12, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp giá trần đối với khí đốt. Đây là nỗ lực mới nhất của khối 27 quốc gia nhằm kiểm soát giá khí đốt, vốn đã đẩy hóa đơn năng lượng lên cao hơn và dẫn tới lạm phát cao kỷ lục trong năm nay, theo hãng tin Reuters.

EU thống nhất áp giá khí đốt

Cộng hòa Czech - chủ tịch luân phiên EU năm nay, cho biết các thành viên trong khối đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 euro (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ.

Các nước thành viên EU đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 euro (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ. Ảnh: REUTERS

Các nước thành viên EU đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 euro (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ. Ảnh: REUTERS

Dự kiến, biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 15-2-2023. Theo đó, giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF), vốn được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong vòng 3 ngày.

Thỏa thuận nói trên là kết quả của nhiều tháng tranh luận của và hai cuộc họp khẩn cấp của EU. Trong các cuộc thảo luận trước đó, liên minh đã không thể thống nhất được liệu mức trần giá sẽ giúp ích hay cản trở nỗ lực của châu Âu trong ngăn chặn khủng hoảng năng lượng.

Reuters dẫn lời các quan chức EU giấu tên cho biết chỉ có Hungary bỏ phiếu chống lại mức giá trần này. Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng. Hai nước này đã phản đối mức trần trong các cuộc đàm phán, vì sợ rằng nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng và làm tổn hại an ninh năng lượng của châu Âu.

Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết: "Mặc dù đã có những tiến bộ trong vài tuần qua, nhưng cơ chế điều chỉnh thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn".

Ông nói thêm: “Tôi vẫn lo lắng về sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng châu Âu, về những tác động tài chính và trên hết, tôi lo lắng về an ninh nguồn cung của châu Âu”.

Đề xuất của EU cũng đã vấp phải sự phản đối từ một số đơn vị tham gia thị trường, những người cho rằng nó có thể gây ra sự bất ổn tài chính.

Tuần trước, sàn giao dịch liên lục địa (ICE), nơi tổ chức giao dịch TTF trên sàn giao dịch Amsterdam cho biết họ có thể chuyển giao dịch TTF ra bên ngoài EU nếu khối này giới hạn giá khí đốt.

Ngày 19-12, ICE cho biết sẽ đánh giá liệu họ có thể tiếp tục vận hành các thị trường công bằng và có trật tự đối với các của giao dịch trung tâm khí đốt TTF hay không.

Phản ứng của Nga

Trước việc EU áp giá trần đối với khí đốt, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết mức trần này là một cuộc tấn công vào giá cả thị trường và không thể chấp nhận được, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin.

Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

“Đây là hành vi vi phạm quy định giá thị trường, vi phạm quy trình thị trường" - ông Peskov nói, lưu ý thêm rằng việc áp giá dầu là điều "không thể chấp nhận được".

Ông nói rằng Nga sẽ “cần thời gian để đánh giá cẩn thận tất cả những ưu và nhược điểm trong khi đưa ra các biện pháp đáp trả. Ông cũng cho biết thêm rằng phản ứng của Moscow đối với giới hạn giá dầu đã “bị trì hoãn đôi chút” vì những lý do tương tự, theo đài RT.

Trần giá dầu đã được EU, các nước thuộc Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) và Úc đưa ra vào đầu tháng này. Nga cho đến nay vẫn chưa chính thức công bố bất kỳ biện pháp đáp trả nào. Tuy nhiên, ông Peskov trước đó nói rằng một sắc lệnh liên quan của Tổng thống Vladimir Putin đang được hoàn thiện.

Theo tờ Vedomosti của Nga, Moscow sẽ cấm bán dầu đối với các hợp đồng áp giá trần. Việc xuất khẩu dầu cũng sẽ bị cấm đối với các quốc gia áp đặt mức giá giới hạn là 60 USD/thùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm