Chiều 26-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc họp với EVN về tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn trong giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị EVN cần làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ...
Về nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp; tạo dư địa thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đảm bảo thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kiềm chế lạm phát.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc họp với EVN về tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn trong giai đoạn 2017-2020.
Phó Thủ tướng đề nghị EVN tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm thực hiện các dự án nguồn, lưới điện quan trọng; xây dựng kịch bản, cân đối nguồn vốn từng năm một trong giai đoạn 2017-2020 và xa hơn nữa; EVN tiết kiệm chi phí tối thiểu 10%.
Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III-2017.
Phó Thủ tướng đề nghị EVN chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của tập đoàn theo nguyên tắc thị trường. EVN cần đảm bảo cân đối dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giảm chi phí lao động, nhất là giảm tổn thất điện năng; minh bạch, công khai trong tính toán giá điện.
Theo tính toán của EVN, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh năm 2017 tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, EVN cũng đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỉ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, cho biết EVN sẽ áp dụng tự động hóa cho các đơn vị, nhất là các khâu truyền tải và phân phối điện. “Hiện nay trạm biến áp 110 kV là có 11 người vận hành thì tới năm 2020 thì không còn người vận hành. Định mức trạm 220 kV là 15-18 người vận hành và trạm 500 kV là 25 người thì tới năm 2020 sẽ giảm rất nhiều, khoảng 60% nhân lực” - ông Thành nói.
Đối với khâu phân phối điện, EVN đang thực hiện lắp đặt các công tơ điện tử đo xa để không cần nhân viên ghi số điện nữa. Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã giảm gần 1.000 người ghi số điện khi lắp đặt 2 triệu công tơ đo xa mới.
Ông Thành cũng chia sẻ áp lực của EVN là giảm lao động nhưng không đẩy lao động ra khỏi xã hội và Hội đồng thành viên có quy chế khuyến khích người lao động nghỉ hưu trước thời hạn, sử dụng các quỹ hỗ trợ cho những người này.