Ngày 24-4, UBND huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn xin địa phương cho đổ 3,5 triệu m3 chất thải xuống biển và đất liền. Hiện các đơn vị, ban, ngành của tỉnh Quảng Bình đã có họp bàn bước đầu nhưng theo ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, thì chưa xác định được nơi đổ thải như yêu cầu của EVN.
Xin đổ chất thải vào đất, xuống biển
Trước đó, Ban Quản lý dự án nhiệt điện 2 (ANĐ2) thuộc EVN và liên danh tư vấn IE-PVE-TEDIPORT đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Công Thương tỉnh, các sở, ngành và các đơn vị liên quan đề nghị phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ quá trình điều chỉnh thực hiện dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch. ANĐ2 yêu cầu địa phương giới thiệu bãi đổ chất thải trên bờ với khối lượng dự kiến khoảng 1 triệu m3. Đây là khối lượng đất hữu cơ được bóc và đào hố móng sau khi thi công san lấp mặt bằng và thực hiện các hạng mục công trình của dự án. Văn bản này cũng yêu cầu giới thiệu địa điểm bãi đổ chất thải trên biển, khu vực có thể nhấn chìm 2,5 triệu m3 chất thải do nạo vét cảng than. Công văn trên cũng đề nghị tỉnh xác nhận khả năng cung cấp nước ngọt cho vận hành Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 với tổng khối lượng nước cung cấp 1.000 m3/giờ, hoạt động 6.500 giờ/năm.
Vùng biển Quảng Bình sạch đẹp này có nguy cơ thành bãi đổ 2,5 triệu m3 chất thải nạo vét từ cảng than của EVN. Ảnh: M.QUÊ
Phải lập báo cáo tác động môi trường
Ngày 24-4, trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện EVN cho biết ANĐ2 có đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình giới thiệu vị trí cho chủ đầu tư, liên doanh tư vấn IE-PVE-TEDIPORT đổ “vật liệu thải”. Trước khi chọn vị trí, ANĐ2 tiến hành khảo sát, đánh giá để lập quy hoạch và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các bãi đổ, gồm bãi đổ vật liệu thải trên bờ để phục vụ thi công san lấp mặt bằng các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch và bãi đổ vật liệu nạo vét trên biển để phục vụ thi công xây dựng cảng chuyên dụng.
Cũng theo giải thích của EVN, các vật liệu nạo vét trên biển bao gồm: Bùn, cát tự nhiên được nạo vét từ đáy biển (cát từ biển có thể dùng để san lấp, tôn tạo mặt bằng); khối lượng dự kiến khoảng 2,5 triệu m3. Các vật liệu thải trên bờ bao gồm: Phần đất bóc hữu cơ (đây là lớp đất màu có thể dùng để hoàn trả mặt bằng, cải tạo cho các công trình khai thác vật liệu xây dựng; cải tạo đất để trồng cây cối, hoa màu); phần đất đào hố móng công trình, thi công xây dựng bãi thải xỉ (đây là lớp đất nằm tầng dưới có thể sử dụng để san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng, tôn tạo mặt bằng); khối lượng dự kiến khoảng 1 triệu m3. Các loại chất thải này phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6696:2009 về chất thải rắn - bãi chôn lấp hợp vệ sinh - yêu cầu chung về bảo vệ môi trường.
Chưa chọn được vị trí phù hợp Theo EVN, trong các ngày 11-4 và 21-4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình và Sở TN&MT đã có văn bản, tổ chức họp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để tham khảo ý kiến về vị trí đổ vật liệu thải để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo. Theo ý kiến của các bên tham gia, quy hoạch các vị trí đổ thải trên bờ hiện tại chưa có; việc giới thiệu vị trí trên bờ để khảo sát, đánh giá, quy hoạch thì khó bố trí đối với khối lượng thải lớn. Việc giới thiệu vị trí khảo sát, đánh giá, quy hoạch và lập (ĐTM) cho khu vực đổ vật liệu thải trên biển hiện tại phải thực hiện đúng quy định hiện hành. Sở TN&MT đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với địa phương để được giới thiệu các vị trí phù hợp. Các vật liệu thải có thể sử dụng để san lấp thì Sở TN&MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh giới thiệu cho các chủ đầu tư trên địa bàn để có phương án sử dụng hợp lý, để tránh lãng phí. ______________________ Được biết dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch có công suất 1.200 MW thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, có tổng mức đầu tư 33.000 tỉ đồng. Dự án được chuyển giao từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho EVN làm chủ đầu tư từ tháng 11-2016. |