Trong các tháng đầu năm 2022, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã triển khai thực hiện công tác sửa chữa tại các nhà máy trực thuộc, đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch, tiến độ.
Trong bối cảnh dịch bệnh, phân mảng dịch vụ sửa chữa - Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO3 (Công ty EPS) cũng ghi nhận những “khách hàng” bên ngoài EVNGENCO3 như Nhà máy điện Phú Mỹ 3 BOT (thuộc Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3), Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 (thuộc Công ty Năng lượng Mê Kông), Nhà máy giấy Vina Kraft, Công ty Siemens, Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ, Công ty Fieldcore (GE).
Ông Trương Văn Phương, Giám đốc Công ty EPS và ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước, thực hiện ký kết. Ảnh: TN
Hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng hai tổ máy
Mới đây, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc EVNGENCO3) đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng theo RCM cho hai tổ máy H1, H2 theo kế hoạch năm 2022.
Để bảo đảm phát điện an toàn và hiệu quả sau thời gian vận hành, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã cho ngừng theo kế hoạch lần lượt các tổ máy H2 từ ngày 10 đến 19-2 và tổ máy H1 từ ngày 20 đến 28-2 để thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng.
Nằm trong kế hoạch chuyển đổi số của EVN, EVNGENCO3, các công trình sửa chữa, bảo dưỡng của nhà máy điện phải được thực hiện theo phương pháp RCM (Reliability Centered Maintenance). Theo đó, phương án kỹ thuật sửa chữa lớn tổ máy H1, H2 của nhà máy đã được thực hiện theo phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy RCM.
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã xây dựng quy trình phân tích, đánh giá tình trạng hệ thống/thiết bị để lựa chọn cách thức bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy cho nhà máy, từ đó xác định được khối lượng sửa chữa cho tổ máy. Các hạng mục sửa chữa, bảo dưỡng của hai tổ máy lần này bao gồm: Sửa chữa, bảo dưỡng khối thiết bị tổ máy tính từ cửa lấy nước đến cửa xả hạ lưu; ngăn trạm phân phối 220 kV và khoảng vượt; hệ thống thiết bị tự dùng xoay chiều, một chiều, hệ thống khí nén…
Cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng cho đối tác ngoài EVNGENCO3
Bên cạnh công tác sửa chữa, bảo dưỡng trong nội bộ các nhà máy thuộc tổng công ty, EVNGENCO3 còn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy điện thông qua Công ty EPS. Qua hơn năm năm thành lập, trên nền tảng lực lượng sửa chữa lành nghề, tinh nhuệ của các nhà máy điện Phú Mỹ, Công ty EPS đã dần khẳng định được thương hiệu trên bản đồ cung cấp dịch vụ sửa chữa tại Việt Nam.
Đơn cử như mới đây, sáng 10-3, tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Công ty EPS và Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước đã thực hiện lễ ký hợp đồng “Cung cấp dịch vụ đại tu tua bin máy phát và bơm tuần hoàn tại Nhà máy điện Hiệp Phước 1”.
Tham dự lễ ký kết hợp đồng, có ông Trương Văn Phương, Giám đốc Công ty EPS và ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước, cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, các phòng chuyên môn của hai đơn vị.
Thông qua hợp đồng này, Công ty EPS sẽ cùng đồng hành với Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước trong công tác kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng nâng cấp, đại tu tua bin, máy phát và bơm tuần hoàn cho ba tổ máy hiện hữu của Nhà máy điện Hiệp Phước 1. Thời gian thực hiện hơp đồng từ tháng 4 đến tháng 8-2022, với tổng giá trị phần nhân công hơn 27 tỉ đồng. Dự án sau khi hoàn thành góp phần nâng cao độ ổn định, vận hành tin cậy của các tổ máy sau khoảng thời gian dài tạm ngừng hoạt động.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Trương Văn Phương, Giám đốc Công ty EPS, cam kết: EPS sẽ tập trung nguồn nhân lực, máy móc thiết bị để hoàn thành hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ theo đúng các điều khoản quy định. Đồng thời, đơn vị luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Nhà máy điện Hiệp Phước 1 (Nhà Bè, TP.HCM) hoạt động từ tháng 7-1998 bao gồm ba tổ máy tua bin hơi với tổng công suất là 375 MW, nguồn nguyên liệu đầu vào là dầu FO.
Từ năm 2009, Nhà máy điện Hiệp Phước 1 chuyển sang dùng nhiên liệu khí để phát điện thông qua hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Nhơn Trạch - TP.HCM. Nhà máy vận hành đến tháng 8-2011 thì tạm ngưng hoạt động và không phát điện lên hệ thống.
Hiện tại, Nhà máy điện Hiệp Phước 1 đang trong giai đoạn nâng cấp, lắp đặt thêm ba tua bin khí SGT5-4000 F, ba máy phát điện SGen5-1000A, ba lò hơi thu hồi nhiệt, thiết bị điện và hệ thống điều khiển SPPA-T3000 (công nghệ của Tập đoàn Siemens). Dự kiến các tổ máy sẽ được đưa vào hoạt động trở lại vào cuối năm 2022, với quy mô công suất được nâng cấp lên đến 1.200 MW.•
Sửa chữa, bảo dưỡng 15 nhà máy EVNGENCO3 cho biết hiện tổng công ty và các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết đang quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng 15 nhà máy, với 41 tổ máy có tổng công suất 6.336 MW. Tổng sản lượng điện sản xuất giai đoạn 2016-2020 của EVNGENCO3 là 167,813 tỉ kWh, bình quân đạt 33,6 tỉ kWh/năm, với 1,2 triệu giờ vận hành an toàn, 104.000 giờ sửa chữa, bảo dưỡng. Đây là kết quả đáng tự hào của toàn thể EVNGENCO3 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. EVNGENCO3 và các đơn vị đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới; sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào công tác quản lý vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các nhà máy. Đồng thời tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, công tác sửa chữa, bảo dưỡng tại các nhà máy đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều đơn vị thuộc EVNGENCO3 đã nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM), góp phần giảm chi phí, giảm khối lượng. |