EVNHCMC: Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận ‘Hình thành doanh nghiệp số’

(PLO)- Ngành điện lực TP.HCM đã khẳng định mình trên công cuộc chuyển đổi số khi được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận EVNHCMC “hình thành doanh nghiệp số”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của TP.HCM và cả nước thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số theo Quyết định 1970/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và đã được chứng nhận “Hình thành doanh nghiệp số”.

Doanh nghiệp chuyển đổi số ở mức 3/5, tiệm cận mức nâng cao

Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết: EVNHCMC vừa được Bộ TT&TT hoàn tất quá trình đánh giá và xác nhận mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp trên cổng thông tin DBI (Cổng thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp). Theo đó, EVNHCMC đã trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận “Hình thành doanh nghiệp số”.

EVNHCMC trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận “Hình thành doanh nghiệp số”.

EVNHCMC trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận “Hình thành doanh nghiệp số”.

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TT&TT về việc phê duyệt đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, EVNHCMC đã tiến hành đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp cho tất cả 24/24 đơn vị trực thuộc.

Các đơn vị này đều được đánh giá dựa trên 139 tiêu chí, thuộc 6 trụ cột chuyển đổi số, bao gồm: Trải nghiệm số cho khách hàng; Chiến lược; Hạ tầng và công nghệ số; Vận hành; Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; Dữ liệu và tài sản thông tin.

Quá trình đánh giá bao gồm: Doanh nghiệp tự đánh giá; Tư vấn độc lập tiến hành thẩm tra. Tất cả các hồ sơ kết quả tự đánh giá và thẩm tra đều được đăng tải trực tuyến trên cổng DBI để Bộ TT&TT tiến hành rà soát và xác nhận mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Sau đó, Bộ TT&TT xác nhận Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã đạt mức độ chuyển đổi số là mức 3/5 (mức hình thành doanh nghiệp số trong 5 mức độ chuyển đổi số theo QĐ 1970). Cụ thể: Mức 0 - Chưa chuyển đổi số; Mức 1 - Khởi động; Mức 2 - Bắt đầu; Mức 3 - Hình thành; Mức 4 - Nâng cao; Mức 5 - Dẫn dắt.

Đặc biệt, Công ty mẹ (EVNHCMC) với vai trò tổ chức và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, đã đạt 545 điểm, tiệm cận điểm chuẩn của mức 4 là 556 điểm. Đây là số điểm rất cao, thể hiện doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất quá trình hình thành doanh nghiệp số và sẵn sàng để phát triển lên mức nâng cao.

Ngoài ra, EVNHCMC còn có 3/24 đơn vị trực thuộc, bao gồm: Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện, Trung tâm Chăm sóc khách hàng và Công ty Công nghệ thông tin đã được xác nhận đạt mức độ nâng cao về chuyển đổi số (mức 4/5).

Điều này thể hiện rõ các thế mạnh mũi nhọn của EVNHCMC trên các phương diện: Có lưới điện 100% tự động hóa, có chất lượng dịch vụ khách hàng xuất sắc và có hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại. Từ đó, thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục với chất lượng ngày càng cao trên địa bàn TP - đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Những kết quả nêu trên vừa là niềm tự hào, vừa là động lực khích lệ để toàn thể cán bộ, công nhân viên lao động của EVNHCMC tiếp tục không ngừng phấn đấu nâng cao mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số của Chính phủ”, ông Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.

Chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn

Trong các năm qua, EVNHCMC luôn là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý vận hành hệ thống điện và dịch vụ khách hàng. Nhờ đó, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và đời sống của người dân.

Giấy xác nhận đánh giá mức độ chuyển đổi số.

Giấy xác nhận đánh giá mức độ chuyển đổi số.

Đến nay, EVNHCMC đã tự động hóa 100% lưới điện với hai Trung tâm điều khiển từ xa với phần mềm SCADA/DMS; 100% trạm 110kV không người trực, 100% lưới trung thế vận hành tự động hoàn toàn.

Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng đã triển khai đo đếm từ xa công tơ điện tử cho gần 100% số khách hàng (gần 2,7 triệu khách hàng); Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch trên địa bàn TP

Độ tin cậy cung cấp điện và tỉ lệ tổn thất điện năng của EVNHCMC đạt tốt nhất trong toàn EVN. Trong đó, năm 2022, số lần mất điện bình quân một khách hàng (SAIFI) nhỏ hơn 0,5 lần/năm và thời gian mất điện bình quân một khách hàng (SAIDI) giảm còn 35 phút/năm, tỉ lệ tổn thất điện năng đạt 2,61%.

EVNHCMC cũng đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ cho khách hàng sử dụng điện tại TP.HCM, tỉ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt hơn 99%.

100% các công việc hiện trường được thực hiện trên thiết bị di động và cập nhật trực tuyến về hệ thống quản trị điều hành tập trung. Đồng thời, đã đưa vào vận hành Tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh đầu tiên trong EVN.

4 trụ cột chính trong công tác chuyển đổi số của EVNHCMC:

- Đảm bảo vận hành lưới điện an toàn và đáng tin cậy.

- Trải nghiệm khách hàng vượt trội.

- Quản trị và điều hành doanh nghiệp xuyên suốt và dựa trên dữ liệu.

- Phát triển năng lực của lực lượng lao động.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết trong những năm tới, EVNHCMC sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số. EVNHCMC đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt mức phát triển ngang tầm các công ty điện lực hàng đầu của các nước tiên tiến Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, phấn đấu đưa EVNHCMC trở thành một doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất nhu cầu về điện của khách hàng với phương châm “3M: Mọi việc - Mọi lúc - Mọi nơi”.

Theo đó,EVNHCMC sẽ xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số ở mức nâng cao, bao gồm: Phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Các hoạt động quản trị doanh nghiệp số; Đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Đồng thời, EVNHCMC sẽ góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Đề án tổng thể chuyển đổi số của EVN và chương trình chuyển đổi số của TP.HCM.

Ông Phạm Quốc Bảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC:

Ông Phạm Quốc Bảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC.

Ông Phạm Quốc Bảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC.

EVNHCMC luôn hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số và thực hiện phương châm “Chuyên nghiệp – Minh bạch – Hiệu quả”. Vì vậy, EVNHCMC sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng tốt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiếp tục không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. EVNHCMC luôn đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định cho TP; đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số doanh nghiệp, góp phần xây dựng TP thông minh.

Năm 2000, EVNHCMC đã xác định phải nhanh chóng đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2002, Hệ thống thu hộ tiền điện được EVNHCMC xây dựng và triển khai. Đây có thể được xem là hệ thống kỹ thuật số đầu tiên có thể tương tác với khách hàng điện qua internet.

Giai đoạn 2009-2010, chuyển đổi số đã có mặt trong lĩnh vực quản lý vận hành lưới điện. Lúc này, công tác quản lý kỹ thuật thông qua các phần mềm quản lý tập trung như: Quản lý mất điện, quản lý vật tư thiết bị điện, quản lý vận hành lưới điện cao thế, …

Trong hoạt động kinh doanh, Chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức điều hành, phong cách lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, mô hình kinh doanh… EVNHCMC là đơn vị đầu tiên của các doanh nghiệp lớn trong cả nước thí điểm hóa đơn tiền điện cho hơn 2 triệu khách hàng từ năm 2013.

Một số dịch vụ tiêu biểu của EVNHCMC, như: thực hiện số hóa hồ sơ khách hàng và triển khai giao dịch điện tử cho 19/19 dịch vụ về điện; Nâng cấp website và App CSKH, khai thác hiệu quả dữ liệu từ hệ thống đo xa để cung cấp thông tin tiêu thụ điện hàng ngày cho khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm