Đến năm 2020, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) sẽ trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN. Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT đã chia sẻ về mục tiêu này.
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT
.Ông có thể cho biết rõ hơn về kế hoạch thực hiện mục tiêu này của EVNNPT?
+ Ông Đặng Phan Tường: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT tập trung thực hiện các mục tiêu chính: Xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại; đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. EVNNPT cũng tập trung xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả cao, tham gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các cấp độ của thị trường điện. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của giai đoạn này được chúng tôi xác định là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.
EVNNPT đang xây dựng Đề án Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó so sánh, xếp hạng EVNNPT với các tổ chức truyền tải điện trong khu vực và trên thế giới; xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu chiến lược đề ra. Đến năm 2020, EVNNPT sẽ trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN. Mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu trong giai đoạn này của EVN là phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị điện lực hàng đầu trong cộng đồng các nước ASEAN.
.EVNNPT đã chuẩn bị cho việc này thế nào và gặp phải những khó khăn gì trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình?
+ Đúng là chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một doanh nghiệp. Hiện EVNNPT đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý các cấp có trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc, có độ tuổi trung bình trẻ và có sự kế thừa hợp lý giữa các độ tuổi. Các cán bộ quản lý đều được rèn luyện, thử thách nhiều năm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNNPT.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, nguồn nhân lực của EVNNPT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tổng công ty. Các vấn đề phát sinh trong thực tế sản xuất đã cho thấy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế. Việc các cán bộ quản lý phần lớn trưởng thành từ công tác chuyên môn kỹ thuật, chưa được đào tạo đầy đủ về quản trị doanh nghiệp cũng là yếu tố dẫn đến thiếu hụt các kỹ năng quản trị chiến lược, tài chính, nhân sự cũng như các kỹ năng lãnh đạo. Một số cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc, chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị dẫn đến còn bị động trong công tác sửa chữa thiết bị hoặc khắc phục, xử lý sự cố. Những hạn chế trên sẽ được EVNNPT tập trung khắc phục trong thời gian tới.
.EVNNPT có giải pháp gì để huy động được số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng để đảm bảo mục tiêu phát triển của mình?
+ Giai đoạn 2017 - 2020, tổng nhu cầu đầu tư của EVNNPT vào khoảng 105.699 tỉ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 270 dự án đường dây, trạm biến áp 220 kV, 500 kV. Để có thể huy động được số vốn đầu tư như trên, EVNNPT đã và đang xây dựng các kế hoạch và triển khai sớm các thủ tục thu xếp vốn đầu tư xây dựng cho các dự án đã được giao kế hoạch. Chúng tôi cũng tìm cách cân đối, sử dụng hợp lý nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNNPT để trả nợ vay và làm vốn đối ứng; thực hiện các thủ tục thu xếp vốn ODA đối với các dự án đã có cam kết của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...
Hiện nay Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nên ngoài các giải pháp trên, EVNNPT cũng đang tìm kiếm các nguồn vốn khác như vay tín dụng xuất khẩu và thương mại nước ngoài; mở rộng quan hệ với các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế; triển khai phương án vay các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ.