F0, F1 cố tình trốn hoặc không khai báo: Sẽ bị xử nặng
Sáng 1-2, Bộ Y tế phát đi thông báo kêu gọi người dân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam rơi vào đợt bùng phát dịch thứ ba. Rất nhiều tổn thất không thể kể được bằng con số như trường học đóng cửa, lao động mất việc, toàn dân lo âu mất tết.
Có đầy đủ quy định để xử lý
Thế nhưng tới 20% các F0 (bệnh nhân nhiễm COVID-19) khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Cá biệt, có ca F0 và hàng trăm ca F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do: “Tôi rất khỏe, tôi có làm sao đâu”.
Những vụ vi phạm gần đây
Tháng 1-2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines DTH (ngụ huyện Hóc Môn; là BN 1342) để điều tra về tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo Điều 240 BLHS.
Theo đó, quá trình cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines, mỗi chuyến bay sẽ cách ly một khu riêng. Tuy nhiên, trong thời gian bốn ngày cách ly, BN1342 đã vi phạm quy định và di chuyển từ khu này sang khu khác. Từ đó, BN nhiễm bệnh và lây cho BN1347 khi đang cách ly tại nhà.
Tối 1-2, cơ quan chức năng phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) kiểm tra, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 14 người (gồm sáu nam, tám nữ) cố tình không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Nhóm người này tham gia hát karaoke tại quán nằm trong khuôn viên quản lý của khách sạn Vườn Đào, địa chỉ tại tổ 7, khu 4, phường Bãi Cháy.
Ngoài việc sẽ bị phạt hành chính, nhóm người này bị áp dụng biện pháp cách ly có trả phí và gửi thông tin về địa chỉ nơi cư trú. Cơ quan chức năng cũng phong tỏa quán karaoke, xử phạt chủ cơ sở và cách ly các nhân viên phục vụ ngay tại khách sạn Vườn Đào...
Dư luận lo lắng về những trường hợp né khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực tình trạng sức khỏe bản thân, từ đó làm lây lan dịch bệnh cho người thân và xã hội. Vậy về quy định pháp lý hiện có quy định nào để xử ký những “ca khó” này không?
Luật sư (LS) Bùi Viết Nông, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng quy định hiện hành có đầy đủ biện pháp chế tài để xử lý.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế. Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì F0 là người được xác định nhiễm SARS-CoV-2. F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 với người về từ vùng dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG
LS Nông nói: Hành vi không khai báo hoặc khai báo gian dối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Về hình sự, theo LS Nông, hành vi trên có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS 2015; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS 2015.
Về hành chính, Nghị định 117/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã có chế tài cụ thể cho hành vi cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối. Theo nghị định này, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh thì tùy từng trường hợp sẽ bị phạt tiền 500.000-1 triệu đồng, 1-3 triệu đồng hoặc 10-20 triệu đồng.
Cũng theo LS Nông, trong bối cảnh hiện nay cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định trên, xử lý nghiêm khắc để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Ngoài ra, mỗi cá nhân, mỗi người dân phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Truyền thông, báo chí phải tuyên truyền về trách nhiệm cũng như hành vi chưa đúng đối với cộng đồng khi không khai báo y tế hoặc khai không trung thực.
Lực lượng chức năng cần ghi nhận, phát hiện sớm nhất có thể các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra phải triển khai giám sát, cách ly chặt chẽ hơn nữa; liệt kê đầy đủ danh sách tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm, kể cả những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bệnh.
TAND Tối cao kịp thời hướng dẫn
Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn 45 ngày 30-3-2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
LS Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, nhìn nhận: Công văn này ra đời đã kịp thời hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo hướng dẫn tại công văn thì người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện những hành vi làm lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Đó là hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Ngoài ra, người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS. Đó là hành vi trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch
Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam” do Trường ĐH Văn Lang tổ chức ngày 21-1, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Cạnh kênh phổ biến như họp báo, báo in, loa truyền thanh, nhiều nơi đã tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0 kịp thời đưa ra những ứng dụng công nghệ (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch và khai báo y tế.
Hình thức khác là sáng tác bài hát, thơ, vè... cũng đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch. Quận Đống Đa (TP Hà Nội) tuyên truyền bằng hình thức phát thanh lưu động. Các xe máy, xe kéo đi đến từng ngõ ngách để tuyên truyền và phát huy tác dụng như thời chiến. Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) gắn panô trên xe tuyên truyền lưu động để phổ biến các văn bản hướng dẫn khai báo y tế…