Điều 240 BLHS 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có phạm vi khách thể được bảo vệ rất rộng. Tuy nhiên lại có khoảng hở khi không định nghĩa rõ thế nào là "hành vi khác". Trước 30-3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chưa có hướng dẫn về điều này.
Về thiệt hại, luật chỉ quy định thiệt hại nhân mạng hoặc đến mức phải công bố dịch ở các cấp độ mà chưa quy định rõ việc xử lý hình sự nếu hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, trị an xã hội.
Trong khi trên thực tế, thiệt hại do ảnh hưởng sản xuất, đi lại, phòng chống dịch là cực lớn. Việc quy định chưa rõ ràng gây lúng túng cho cơ quan tiến hành tố tụng khi truy cứu hình sự đối tượng để bảo vệ các khách thể.
Tuy nhiên, do diễn biến nghiêm trọng của COVID-19, ngày 30-3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Công văn 45 hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại mục 1.2.b có quy định hành vi "Không tuân thủ quy định về cách ly".
Với hướng dẫn này, BN 1342 là tiếp viên hàng không khó có thể thoát trách nhiệm hình sự tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người vì thoả mãn các dấu hiệu của mặt khách quan, chủ thể, khách thể lẫn mặt chủ quan của tội phạm: Trên 16 tuổi, có hành vi nguy hiểm, có lỗi (không tuân thủ quy định cách ly) và có hậu quả (gây bệnh cho người khác).
Thế còn BN 1347 là giáo viên tiếng Anh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người hay không?
Phong tỏa con hẻm là nơi ở của bệnh nhân 1347. Ảnh: TÂN - YÊN
Theo tôi, có thể, nhưng trường hợp này là một trường hợp tranh chấp tội danh vì có dấu hiệu của hai tội. Theo nguyên tắc thu hút tội danh, hành vi có nhiều dấu hiệu của tội nào thì sẽ bị áp dụng xử lý về tội ấy.
Công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa nếu không tuân thủ quy định gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 BLHS.
Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 295 BLHS để xử hành vi làm lây lan dịch bệnh là chưa hề có tiền lệ. Vì vậy, nếu vận dụng, ngay từ giai đoạn khởi tố, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ phải thảo luận nội bộ và thỉnh thị để đảm bảo chặt chẽ.
COVID-19 đã góp phần thúc đẩy việc hướng dẫn áp dụng luật. Công văn 45/TANDTC-PC ra đời sau khoảng trống hành vi của bệnh nhân số 17. Cô này khai báo gian dối lịch trình di chuyển khiến xã hội một phen xất bất xang bang.
Nay, nếu không xử lý BN 1342 và 1347 cùng những người liên quan, trong tương lai sẽ có thêm nhiều 17, thêm nhiều 1342 và 1347 nữa. Và ngoài thiệt hại do COVID, nạn nhân cụ thể tiếp theo có thể là bất kỳ người dân nào.