F0 tăng nhanh, trường học liên tục bật chế độ 'on - off'

Đó là chia sẻ đầy cảm xúc của thầy giáo dạy ngữ văn Trương Minh Đức (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) trong những ngày lớp học nào cũng vắng nhiều học sinh vì là F0, F1 như hiện nay.

Lớp học 28 học sinh chỉ có 8 học sinh đi học trực tiếp. Thầy Đức lưu lại khoảnh khắc khó quên trước khi vào bài giảng. Ảnh: NVCC

Ráng dạy, ráng cười nói để học trò yên tâm

Đến giờ dạy ngữ văn cho một lớp khối 10, thầy Trương Minh Đức ngỡ ngàng khi nhìn xuống lớp chỉ có tám em hiện diện. Nhìn lên bảng thống kê, lớp có 28 em nhưng vắng đến 20 em vì thuộc diện F0, F1.

Thế nhưng tiết học vẫn phải bắt đầu, thầy mở laptop, đặt máy vào một bàn gần giữa lớp và hướng màn hình lên bảng để kết nối trực tuyến với những học sinh (HS) đang phải ở nhà để các em cùng theo dõi tiết học. Em nào khỏe thì cùng on để học với lớp, em nào F0 mà mệt thì off để nghỉ ngơi cho lại sức.

Theo thầy Đức, cảm xúc bao trùm trong thời gian dịch bệnh này là “lo lắng”, lo vì HS không nắm hết bài, lo vì thi cử gần đến… Bởi nếu chỉ dạy trực tiếp thôi hoặc online thôi thì khác nhưng phải dạy “hai trong một” thì rất khó khăn.

“Không phải vắng một, hai em, mà nhiều em nhiễm ở nhiều thời điểm khác nhau nên nhiều khi mình không đủ sức để nhớ là phải bù đắp những bài nào cho em nào nên mọi thứ bị xáo trộn hết. Tuy nhiên, mình không bao giờ đem sự lo lắng của mình áp lên HS vì các em vốn đã rất lo lắng rồi, nếu thầy cô còn than thở thì chỉ khiến các em áp lực, căng thẳng hơn” - thầy Đức nói.

Tuy nhiên, theo thầy Đức, may mắn là HS, nhất là các em lớp 12 của trường rất ý thức học tập, hiểu tình hình dịch bệnh nên chịu khó và tự giác nên ít nhiều cũng làm giảm lo lắng cho thầy cô.

“Mỗi buổi học, dù lo đến đâu, mình cũng cố gắng chốt kiến thức cơ bản nhất và giảng dạy, nói chuyện bằng tinh thần vui vẻ nhất. Lớp nào phải học trực tuyến hết thì mình lại xách máy tính đi tìm nơi có WiFi mạnh để dạy hoặc tốn tiền 3G chút để duy trì được tiết dạy” - thầy Đức nói.

Cô Hiệp trở lại trường dạy trực tiếp, sau thời gian bị COVID, ở nhà vừa điều trị vừa dạy trực tuyến. Ảnh: NVCC

Cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng vừa trải qua thời gian cách ly và điều trị tại nhà vì nhiễm COVID-19. Thế nhưng những tiết dạy trực tiếp ở lớp, cô nhờ đồng nghiệp hỗ trợ thay thế. Còn những giờ dạy cho các lớp học trực tuyến, cô vẫn lên tiết dạy để đảm bảo tiến độ chương trình cho HS.

Nói về khoảng thời gian bị F0 này, cô Hiệp chia sẻ thực ra cô dạy online nhưng vì mệt và ho, nghẹt giọng nên chủ yếu nhắn trong ô chat là chính để đặt ra những yêu cầu hoặc câu hỏi, lớp trưởng và lớp phó sẽ thay cô làm “phát ngôn viên” để truyền đạt lại cho lớp hoặc đọc bài cho lớp nghe.

“Thời gian này cực lắm nhưng may mắn là học trò rất hiểu chuyện, hỗ trợ cùng cô. Các em cũng trải qua cảnh F0 nên biết lắm, rất lo lắng cho cô. Nghe cô bệnh là nhắn tin hỏi thăm cô liên tục, động viên cô cố gắng, rồi còn dặn dò cô uống nước gừng nữa, thấy thương lắm” - cô Hiệp chia sẻ.

Sau khi khỏe lại, cô Hiệp đi dạy nhưng do HS còn vắng nhiều vì F0, F1, có một lớp 9 vắng gần 20 em nên lớp nào cũng phải dạy kiểu “vừa on vừa off”. Cô vừa dạy trực tiếp vừa kết nối Google Meet để dạy online.

“Để tạo không khí, cô vừa cho cả những em có mặt lẫn online được phát biểu và cả lớp cùng nghe. HS off thì đưa tay phát biểu, học sinh on thì bật mic. Ai đồng ý với bạn online thì giơ một ngón tay, đồng ý với bạn offline thì giơ số 2. Thế là HS cười xòa, thích thú học lắm. Rơi vào cảnh dịch giã vầy, mình cũng phải tâm lý, thay đổi để tiết học được trọn vẹn thôi” - cô Hiệp nói.

Dạy bằng 200% công suất

Chia sẻ về khoảng thời gian đặc biệt này, cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), cũng cho hay hầu như thầy cô nào đi dạy cũng phải mang theo laptop, lớp học nào cũng kết nối mạng để vừa dạy trực tiếp vừa cho HS ở nhà học trực tuyến hoặc thầy cô ở nhà dạy online cho các em.

“Dạy song song cực lắm, vừa đảm bảo bài dạy cho các em trên lớp, vừa theo dõi việc học online của các em nên gần như dạy 200% công suất. Nhất là các thầy cô lớn tuổi, phải ôm laptop đi đi về về” - cô Xuân chia sẻ.

Ngoài giảng dạy theo tiết chính khóa, để hỗ trợ cho HS, nhất là những em phải nghỉ ở nhà, các thầy cô trong trường còn soạn các phiếu học tập gửi cho HS tự học, đăng tải bài giảng lên kênh thông tin học tập hoặc trao đổi qua tin nhắn khi có thắc mắc… Với những em F0 sẽ chờ các em khỏe lại để củng cố kiến thức cho các em.

Một tiết học vừa trực tiếp vừa online tại Trường THCS Minh Đức, quận 1. Ảnh: NVCC

Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, cho biết đến nay trường có tám giáo viên và gần 100 HS diện F0, F1 phải học online. Nên trong thời gian này, các trường phải căng mình ứng phó với các tình huống gia tăng F0, F1 từ phía HS và cả giáo viên.

Theo bà An, khó khăn của trường là đang thiếu cả chục giáo viên do dịch bệnh tuyển dụng bị chậm, một số giáo viên lại thuộc diện F0, F1 nên ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức dạy học. Một số thầy cô hưu trí không quản mối hiểm nguy lây nhiễm bệnh, sẵn sàng dạy thỉnh giảng cho trường.

“Người này nhiễm thì người kia thay thế. Nhiều thầy cô tuy còn chưa hồi phục hẳn, vẫn kết nối hệ thống để dạy học từ nhà cho các HS tại lớp. Giờ dịch bệnh còn kéo dài, thầy trò cùng cố gắng để các em không bị ảnh hưởng bài vở và yên tâm theo học” - bà An bày tỏ.•

Hàng chục ngàn giáo viên, học sinh nhiễm và nghi nhiễm COVID-19

Ngày 4-3, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có buổi họp trực tuyến với Ban Văn hóa - xã hội (HĐND TP.HCM).

Tại đây, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị - tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thống kê từ Phòng GD&ĐT cấp huyện, từ khi tổ chức học tập trực tiếp sau tết Nguyên đán đến ngày 2-3, số lượng HS thuộc diện nhiễm và nghi nhiễm là 36.605 ca. Trong đó, mầm non có 1.810 ca, tiểu học có 17.430 ca, THCS có hơn 10.000 ca, THPT và GDTX là 7.361 ca.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiễm và nghi nhiễm là 3.319 ca. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm