F0 bủa vây trường học, phụ huynh chật vật giữ con ở nhà

Khi số ca nhiễm COVID-19 (F0) xuất hiện ngày càng nhiều, các trường học hoặc từng lớp buộc phải tạm dừng dạy học trực tiếp để đảm bảo an toàn phòng dịch. Phụ huynh vì vậy cũng phải xoay mọi cách để vừa đi làm vừa chăm sóc, trông giữ con tại nhà.

“Tranh thủ nghỉ giữa ca về xem con học thế nào?”

Vừa hết buổi sáng ngày 2-3, chị Lê Mỹ Như (phụ huynh có con đang học lớp chồi Trường Mầm non Hoa Hồng, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận được thông báo từ giáo viên (GV) nên vội vàng từ quận Phú Nhuận chạy về trường đón con.

Khi đến trường, chị Như bất ngờ vì cả trường có 16 lớp nhưng chỉ còn một lớp lá theo học trực tiếp. Lớp của con chị đều được phụ huynh vội vàng đến đón về để các cô giáo tiến hành khử khuẩn, vệ sinh phòng ốc, đồ dùng dạy học.

Chị Như cho biết chị có ba bé, hai bé học mầm non và một bé lớn học lớp 2. Các con đi học được vài ngày thì lớp bé út thông báo có F0 nên phải nghỉ, hai mẹ con dìu nhau đi làm cùng. Giờ đến lớp bé thứ hai, hai vợ chồng chị đành phải thay phiên nhau nghỉ làm để chăm con ở nhà.

“Lúc chưa đi học thì không sao, được đi học thì rối như canh hẹ, cứ thấy tin nhắn trong group phụ huynh là giật bắn mình. Giờ còn lớp của bé lớn nhà mình đã có hơn 10 em là F0 rồi nhưng phát hiện ở nhà nên các con vẫn đi học, không biết rồi kéo dài được bao lâu đây. Đâu phải nghỉ một tuần là xong, rồi đi học lại cứ tiếp tục vầy không biết xoay sao luôn” - chị Như lo lắng.

Tương tự, những ngày này, chị Nguyễn Minh Hòa (có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 12, TP.HCM) cũng vừa đôn đáo đi làm vừa chạy về trông con học online ở nhà.

Theo chia sẻ của chị Hòa, do lớp con chị có F0 nhưng không xác định được rõ các F1 nên trường cho chuyển học online một tuần. Thế nhưng chồng chị đi công tác, chị làm công nhân không xin nghỉ được vì hàng sau tết nhiều. Chị buộc phải cho con ở nhà học online, nhờ hàng xóm để ý giúp, giữa ca và hết ca mỗi buổi chị sẽ chạy về với con, lo cho con ăn uống. Buổi nào con không học online chiều, trưa chị sẽ chở con đi gửi nhà người quen để đi làm.

“Hai mẹ con mới chuyển từ quê lên để con đi học cho mẹ đi làm mà cứ học vầy không ổn chút nào, không lẽ cứ có F0 nữa là lại nghỉ ở nhà. Con thì mới lớp 1, học online lâu muốn hư cả mắt rồi mà giờ lại học vậy tiếp. Nếu vầy thì nên quy định khi con là F1 hay F0 thì phụ huynh cũng phải được nghỉ có lương, chứ cứ học vài ngày mà nghỉ nữa là oải lắm” - chị Hòa than thở.

Học sinh Trường Mầm non 15B (quận 10, TP.HCM) trong giờ học. Ảnh: QUỲNH GIANG

Cần sự chia sẻ, trách nhiệm từ phụ huynh

Việc F0 tăng nhanh trong trường học là áp lực rất lớn không chỉ cho y tế, các trường học, mà cho cả phụ huynh. Vì vậy, theo chia sẻ từ các trường, giải pháp quan trọng hiện nay không chỉ là nỗ lực từ các trường, thầy cô trong việc đảm bảo duy trì dạy học lẫn an toàn phòng dịch, mà cần cả trách nhiệm từ phụ huynh trong việc theo dõi, khai báo sức khỏe của con em.

Như chia sẻ của lãnh đạo một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM, gần đây, trong một số ca F0 mà trường tầm soát từ những em có triệu chứng nhẹ thì có em trước đó là F1 tại nhà vì trong gia đình có F0. Nhưng phụ huynh không khai báo và còn cho rằng đã cách ly con rất cẩn thận ở phòng riêng.

Theo vị này, do F0 ở TP.HCM quá phổ biến và cho là trẻ nhỏ sẽ bị nhẹ nên phụ huynh rất chủ quan, thậm chí có tâm lý mặc kệ nên để hạn chế việc F0 lây lan, trách nhiệm khai báo của phụ huynh là rất cần thiết.

“Có người thì cho rằng cả gia đình đã từng bị nhiễm rồi nên giờ không chú ý phòng dịch nữa, ra vào trường có khi còn không đeo khẩu trang, nhắc nhở mới rửa tay sát khuẩn. Thế nhưng khi thông báo cho trẻ ở nhà, phụ huynh lại giãy nảy lên. GV rất cực, vừa dạy trực tiếp vừa gộp các em diện F1, F0 để dạy trực tuyến chung” - vị lãnh đạo này chia sẻ.

Tương tự một trường hợp tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Nở (TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa qua, bà Huỳnh Ngọc Mỹ Linh, Hiệu trưởng trường, cho biết mỗi ngày trường đều thông tin đến phụ huynh rằng nếu trẻ dù không phải F0 nhưng có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi… thì nên cho trẻ nghỉ học, theo dõi ở nhà.

Thế nhưng có những phụ huynh chưa thực sự hợp tác với trường. “Mới đây, trường phát hiện một trẻ F0 nhưng khi liên hệ thì phụ huynh nói là biết con có dấu hiệu bệnh nhưng vẫn cho con đến trường vì phải đi làm nên không thể giữ con ở nhà được. Như thế làm ảnh hưởng nhiều đến những người khác. Mong phụ huynh có trách nhiệm, ý thức và hợp tác hơn với trường” - bà Linh nói.

Học sinh F1 được test nhanh ở nhà, gửi ảnh kết quả cho giáo viên

Ngày 2-3, UBND TP.HCM đã có văn bản điều chỉnh một số nội dung về hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trong Công văn 548 của UBND TP đã ban hành trước đó.

Theo văn bản này, nhằm tạo điều kiện cho học sinh (HS) là F1 đi học lại sau khi hoàn thành cách ly, UBND TP.HCM thống nhất để trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm PCR mẫu đơn) cho những trường hợp HS và GV có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 của lớp có F0.

Về việc xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, theo quy định mới do UBND TP.HCM điều chỉnh thì phụ huynh tự thực hiện test nhanh cho HS tại nhà vào ngày thứ năm (nếu đã tiêm đủ vaccine) hoặc ngày thứ bảy (nếu chưa tiêm đủ vaccine).

Sau đó thông báo kết quả xét nghiệm cho GV chủ nhiệm bằng cách gửi ảnh qua các nền tảng như email, Zalo, Viber, tin nhắn...

Trường hợp phụ huynh không có điều kiện test nhanh cho HS tại nhà thì có thể đưa HS đến trạm y tế để xét nghiệm. Sau đó, phụ huynh hoặc nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho GV chủ nhiệm.

Kết quả xét nghiệm âm tính được xem là đủ điều kiện cho HS quay lại trường.

Về việc theo dõi sức khỏe các HS cùng lớp có F0, các cơ sở giáo dục phải lập danh sách HS thuộc nhóm nguy cơ như béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh... để theo dõi sát sức khỏe trong vòng 10 ngày. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm