Báo cáo của Bộ TN&MT nhấn mạnh Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút đầu tư FDI. Chính vì vậy, FDI đang gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường. Ví dụ như xả thải của Công ty Vedan, Miwon, sự cố biển do Formosa gây ra tại bốn tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy nhiệt diện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy ở Hậu Giang…
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh có hơn 60 mỏ than, cung cấp hơn 90% lượng than cho cả nước. Ngoài ra, Quảng Ninh còn là trung tâm nhiệt điện cả nước với sáu nhà máy nhiệt điện tạo sức ép lên môi trường rất lớn cho địa phương phía Bắc.
Tuy nhiên, theo ông Long, dù đóng góp lớn về kinh tế nhưng áp lực môi trường rất lớn với tỉnh Quảng Ninh. Như việc giải quyết hậu quả môi trường từ hoạt động khai thác than, các nhà máy nhiệt điện, xi măng sử dụng công nghệ Trung Quốc, bị hỏng rồi được sửa chữa khởi động lại rồi xả thải bụi ra môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đặc biệt là một số nhà máy xi măng được cấp phép ngay sát vịnh Hạ Long…”.
Ông Long nhìn nhận: “Hơn 90% than khai thác ở tỉnh được chở đi tiêu thụ các nơi trên cả nước nhưng hậu quả môi trường thì người dân Quảng Ninh phải gánh chịu vì chi phí xử lý môi trường chưa đảm bảo”. Theo đó, ông Long kiến nghị Chính phủ xem xét cho Quảng Ninh hưởng 100% thuế bảo vệ môi trường của ngành than (hiện nay chỉ được hưởng 70%, 30% nộp về trung ương) để tập trung xử lý các bãi thải than.
Đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết dù địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. “Bãi biển phía đông thành phố được xem là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh nhưng vẫn còn tình trạng nước thải ô nhiễm theo mưa cuốn ra biển”, lãnh đạo Đà Nẵng nói.