Tính đến hết quý I-2016 đã có đến 22 dự án thông báo bán hàng với 8.326 căn hộ, nhà phố, biệt thự, tăng mạnh so với cùng kỳ 2015. Phần lớn những dự án bất động sản quanh ga metro và các trục giao thông chính đều thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Đáng chú ý, kể từ khi Luật Nhà ở sửa đổi cho phép cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đến nay đã có khoảng 700 người nước ngoài mua căn hộ cao cấp.
Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP thì sau ba tháng đầu năm, lượng kiều hối đổ về ước đạt 1,15 tỉ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%. TP đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 1,3 tỉ USD vào lĩnh vực bất động sản (đứng thứ 2).
Theo quan sát của HoREA, từ giữa tháng 3-2016 có dấu hiệu đầu cơ tăng giá sắt thép, điều này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, qua đó tạo thêm áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng. Quý I-2016, chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ đạt 5,46% thấp hơn so với mức 6,03% của quý I-2015. Bên cạnh đó, lạm phát (CPI) tăng 1,25%, cao hơn so với mức 0,74% cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, đã có đến 2.919 doanh nghiệp giải thể trên cả nước, tăng 13,8% và 20.044 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,9%. Nhìn tổng thể từ các chỉ số trên, HoREA nhận thấy "sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.