Thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) kết thúc vào tuần trước với tuyên bố chung nhấn mạnh nhiều lo ngại của nhóm này trong mối quan hệ với Trung Quốc (TQ), theo hãng tin Reuters.
Tuyên bố nêu rõ G7 “không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của TQ”, sẵn sàng xây dựng mối quan hệ “mang tính xây dựng và ổn định” với TQ. Tuy nhiên, G7 nhấn mạnh nhóm sẽ giảm phụ thuộc thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, vì G7 nhận ra rằng “khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa”.
Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh cho biết Bắc Kinh lúc này vẫn muốn duy trì liên lạc với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ phải là bên tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác với TQ bằng cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt các cá nhân và tổ chức, theo Reuters.
G7 không phủ nhận vai trò to lớn của TQ trong các vấn đề toàn cầu cũng như quy mô kinh tế của nước này, song sẽ thực hiện các hành động nhằm “bảo vệ công nghệ nhạy cảm có thể đe dọa đến an ninh quốc gia mà không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư”.
Giới chuyên gia nhận định đây là tuyên bố cứng rắn nhất của G7 đối với vấn đề TQ trong nhiều năm trở lại đây, song ở giai đoạn hiện tại, việc cố gắng tách rời kinh tế với TQ sẽ mang lại nhiều rủi ro.
G7 bị chỉ trích đẩy mạnh “chiến tranh lạnh” với TQ
TS John Kirton thuộc ĐH Toronto (Canada) so sánh cách tiếp cận của G7 với TQ với lập trường do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào năm ngoái, theo tờ The Globe And Mail.
Chia sẻ với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Bali (Indonesia), ông Biden cho biết Mỹ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” với TQ nhưng “sự cạnh tranh không nên dẫn đến xung đột”, đồng thời kêu gọi hai nước làm nhiều hơn nữa để hợp tác trong các vấn đề chính như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu.
Trong tuyên bố chung G7, Mỹ và các đồng minh cũng dùng nhiều ngôn ngữ liên quan tới hợp tác và theo TS Kirton thì G7 đang mong muốn tận dụng cơ hội để đẩy mạnh hợp tác hơn với TQ. Song tuyên bố chung G7 cũng ám chỉ sự hình thành của một liên minh bao quanh TQ, đồng thời nhấn mạnh hơn về cạnh tranh kinh tế và chính trị.
Trả lời tờ Japan Times, GS Kenneth Hammond thuộc ĐH New Mexico (Mỹ) cho rằng tuyên bố chung G7 là dấu hiệu rõ ràng nhất dẫn đến liên tưởng nguy cơ xảy ra chiến tranh lạnh. G7 một lần nữa bỏ qua cơ hội giảm căng thẳng, thay vào đó tiếp tục các động thái nhằm “duy trì sức ảnh hưởng và quyền lực của riêng nhóm này trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện tại”.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Phúc Đán (TQ) Wu Xinbo cho rằng tuyên bố chung G7 làm ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xuống thang căng thẳng giữa TQ và phương Tây. Theo chuyên gia này, G7 giống như đang quy hết mọi trách nhiệm cho TQ trên mọi lĩnh vực. Điều này sẽ càng khiến Bắc Kinh giảm đối thoại với phương Tây vốn vẫn thực hiện nhằm xoa dịu lo ngại của hai bên. Các vấn đề đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên như vấn đề môi trường cũng có nguy cơ bị gác lại.
|
Lãnh đạo các nước thành viên G7 tại khu vực diễn ra thượng đỉnh G7 ở TP Hiroshima (Nhật) ngày 19-5. Ảnh: AFP |
Sóng gió đã bắt đầu nổi lên
Ngay khi thượng đỉnh G7 kết thúc, Bộ Ngoại giao TQ hôm 21-5 cho biết đã triệu tập Đại sứ Nhật tại TQ Hideo Tarumi để cảnh báo Tokyo ngừng hợp tác với các nước G7 “trong các hoạt động và tuyên bố chung nhằm bôi nhọ, tấn công TQ, can thiệp thô bạo các vấn đề nội bộ TQ, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế cũng như tinh thần bốn văn kiện chính trị giữa hai bên ký kết năm 1972”.
Cùng ngày, TQ tiếp tục giáng đòn nhằm vào nền công nghiệp sản xuất chip bán dẫn của Mỹ. Cụ thể, hãng thiết kế chip bán dẫn Micron bị các cơ quan chức năng TQ đánh giá là “có rủi ro an ninh quốc gia” và sản phẩm của công ty này sẽ bị cấm bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của TQ. Micron là hãng chip đầu tiên của Mỹ bị cấm ở TQ, theo kênh CNBC.
Bộ Thương mại Mỹ phản ứng, cho biết họ “kiên quyết phản đối các biện pháp hạn chế không có cơ sở thực tế”, đồng thời cho rằng lệnh cấm của TQ đối với hãng chip Micron và “các cuộc tấn công nhằm vào các công ty Mỹ khác” gần đây không phù hợp với cam kết đã nêu của Bắc Kinh đối với một thị trường mở và có khung pháp lý minh bạch.
Tờ South China Morning Post cho biết động thái cấm Micron của TQ được một số nhà quan sát trong ngành coi là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với các hạn chế xuất khẩu chip sang TQ của Mỹ.
Trong báo cáo ngày 21-5, các chuyên gia tại công ty tài chính Allianz (Đức) nhận định rạn nứt TQ - phương Tây ngày càng lớn có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế nhiều hơn nữa.
“Căng thẳng từ việc tách rời kinh tế giữa TQ và phương Tây đang rất sâu rộng và có thể sẽ còn rộng hơn nữa sau thượng đỉnh G7. Tuy nhiên, vấn đề là người chịu thiệt có thể là chính các nước phương Tây, trong khi thiệt hại đối với kinh tế TQ nhiều khả năng sẽ không đáng kể” - CNBC dẫn nhận định của các chuyên gia.
Theo các chuyên gia, TQ có thể trả đũa bằng cách cắt giảm nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng mà nước này đang nắm gần như độc quyền là đất hiếm, điều này có thể làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.•
Nga: G7 chính trị hóa các quyết định của mình
Hôm 21-5, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố chỉ trích thượng đỉnh G7 vừa rồi đã chính trị hóa một chuỗi các quyết định nhằm vạch ra các ranh giới chia rẽ trong quan hệ quốc tế, phá hoại sự ổn định toàn cầu. Nỗi sợ hãi, hoang mang về sự xuất hiện của một thế giới đa cực đang buộc các thành viên của G7 hợp lực để thổi phồng chủ nghĩa bài Nga và TQ.
Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Nga, “rõ ràng G7 là nhân tố chính làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu”. G7 không thể phản ánh lợi ích của các trung tâm phát triển khác, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh.