G7 ra tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh ngừng 'áp bức' tại Hong Kong

Hãng tin AFP đưa tin nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 12-3 đã ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình ở Hong Kong và chấm dứt "sự áp bức" đối với các nhà hoạt động dân chủ tại đây.

Động thái trên của nhóm G7 được đưa ra sau khi Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 đã thông qua các điều khoản cải cách bầu cử ở Hong Kong, trong đó nêu rõ chỉ những "người yêu nước" mới có thể điều hành thành phố.

Quốc kỳ Trung Quốc và khu kỳ Hong Kong. Ảnh: REUTERS

"Một quyết định như vậy cho thấy rõ ràng rằng giới chức trách ở Trung Quốc đại lục đang quyết tâm loại bỏ những tiếng nói và quan điểm bất đồng ở Hong Kong" – các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong tuyên bố chung.

Các ngoại trưởng G7 cho biết họ "kêu gọi Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khôi phục niềm tin vào các thể chế chính trị của Hong Kong và chấm dứt sự áp bức không chính đáng đối với những người đề cao các giá trị dân chủ".

"Người dân Hong Kong nên được ủy thác để bỏ phiếu vì lợi ích tốt đẹp nhất của Hong Kong. Thảo luận về các quan điểm khác nhau, chứ không phải ngăn chặn chúng, là cách để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong" – tuyên bố nêu rõ.

Trước đó, Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 đã thông qua nghị quyết về cải cách bộ luật bầu cử tại Hong Kong, trong đó đáng chú ý chỉ những "người yêu nước" mới có thể điều hành thành phố.

Theo nghị quyết, Ủy ban bầu cử Hong Kong hiện gồm 1.200 người sẽ được thêm vào 300 người có quan điểm chính trị thân Trung Quốc. Hội đồng lập pháp Hong Kong cũng sẽ được tăng thêm từ 70 lên 90 ghế.

Một ủy ban xét duyệt tư cách ứng viên Hong Kong sẽ được lập ra, có trách nhiệm xét duyệt, phê chuẩn tư cách các ứng cử viên cho các vị trí trong hội đồng lập pháp, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong và Ủy ban bầu cử Hong Kong.

Tình hình chính trị - xã hội Hong Kong là một vấn đề nóng trong năm 2020. Trung Quốc đã thông qua luật an ninh dành riêng cho Hong Kong, dấy lên sự phản đối của phương Tây và một bộ phận người dân đặc khu vì cho rằng luật mới sẽ làm xói mòn tiến trình dân chủ ở vùng lãnh thổ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm