Gã cuồng thơ yểu mệnh

Năm 1937, ở tuổi 17, Chế Lan Viên trình làng tập thơ "Điêu tàn", được coi như một kỳ tích. Năm 14 tuổi (1966), Nguyễn Tất Nhiên đã có "Nàng thơ trong mắt", rồi hai năm sau, mới tròn 16 tuổi, cùng với thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình, Nhiên lại có tập "Dấu mưa qua đất" và 18 tuổi có tập "Thiên tai", đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi. Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi đã có tập thơ riêng, được xem như thần đồng, nhưng đó là thơ dành cho thiếu nhi. Còn với thơ tình thì Nguyễn Tất Nhiên đã lập nên một kỷ lục. Có điều, chỉ với một "Điêu tàn" thôi, Chế Lan Viên đã trở thành một cây đại thụ. Còn Nguyễn Tất Nhiên, với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi, thì dù đã in 3 tập thơ rồi, vẫn còn là một… mầm xanh! Trong làng thơ miền Nam trước 1975, với cái bút hiệu còn thơm mùi giấy học trò như thế, chàng thiếu niên của vùng đất Đồng Nai vẫn chỉ mới là con chim sẻ vừa ra ràng. Nhưng vài năm sau, khi trở thành Nguyễn Tất Nhiên, với sự chắp cánh của nhạc sĩ Phạm Duy, con chim sẻ ấy đã vững cánh bay xa…

Gã cuồng thơ yểu mệnh ảnh 1

Chân dung thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường. 

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Đức Tu, Biên Hòa. Sinh thời anh chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong hai thành phố Biên Hòa và Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi gặp Nhiên là dạo cuối năm 1972, tại nhà thi sĩ Du Tử Lê, một căn phòng nhỏ ở số 8, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Nguyễn Tất Nhiên là "khách thơ" thường xuyên tạm trú ở đó. Lần nào tôi tới cũng thấy anh đang cặm cụi làm thơ. Tôi không hiểu tại sao trong căn phòng chật hẹp như thế, mà thằng bé Lê Tử Du, con trai của Du Tử Lê, còn đỏ hỏn, lại có thể chịu đựng nổi khói thuốc mịt mù của Nhiên phả ra như khói tàu hỏa. Nguyễn Tất Nhiên hút liên tục. Điếu này vừa dứt lại mồi tiếp điếu khác, quăng tàn thuốc la liệt xuống sàn. Lê coi Nhiên như một đứa em ruột thịt, nên Lê dọn nhà đi đâu, Nhiên cũng đi theo. Về sau, Du Tử Lê mua được một căn nhà trong làng Báo Chí ở bên kia cầu Sài Gòn và trở thành hàng xóm, láng giềng của tôi. Tôi ở cuối đường số 2. Giữa đường, có Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng, sát với nhà văn Thụy Vũ. Đầu đường, có họa sĩ Phạm Văn Hạng và Phan Kim Thịnh (tức nhà báo Lý Nhân, người hay viết cho An ninh thế giới sau này). Đường số 3 có Nguyễn Đình Toàn. Du Tử Lê ở đường số 4. Vài lần, Nguyễn Tất Nhiên ghé tìm, nhưng Du Tử Lê đi công tác xa, không có nhà. Chẳng còn ai thân thiết ở đây, thế là bất đắc dĩ, Nhiên qua ở lại nhà tôi.

Những lần ghé lại, Nhiên dường như không ngủ, cứ lục đục suốt đêm để pha càphê, hút thuốc và làm thơ.  Sáng, tôi chạy ra quán mua bàn chải đánh răng, khăn mặt về cho khách. Nhiên khoát tay lia lịa: "Khỏi, khỏi. Để chiều về Biên Hòa tắm luôn một lượt. Ông đọc bài thơ tôi mới làm tối qua đây này". Nguyễn Tất Nhiên không cần quan tâm đến bất cứ một điều gì khác ngoài thơ. Anh say thơ đến điên cuồng, đến mức lập dị. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh mặc chiếc áo ca-rô, bỏ ngoài quần tây nhăn nhúm, chân đi đôi dép lẹp xẹp, khá lôi thôi và bất cần.

Những cây viết trẻ miền Nam đều coi tạp chí Văn là mảnh đất ươm mầm, được Văn chọn đăng truyện ngắn hay thơ là lấy làm hãnh diện lắm, coi như đó là dấu ấn trưởng thành. Một hôm, tôi và Du Tử Lê, mỗi người có một bài viết về Nguyễn Tất Nhiên và Kim Tuấn (tác giả những bài thơ nổi tiếng "Anh cho em mùa xuân","Những bước chân âm thầm") trên tờ Văn Học do anh Phan Kim Thịnh làm chủ bút. Báo ra, cầm tờ Văn Học trên tay, Nguyễn Tất Nhiên nói: "Phải chi được đăng trên tờ Văn thì hay biết mấy!". Khi đó, Nhiên đã nổi tiếng, nhưng anh vẫn còn giữ nguyên cái mơ ước rất dễ thương của tuổi học trò.

Tôi với Nguyễn Tất Nhiên gặp nhau rất nhiều lần, có những lần ngồi quán càphê suốt buổi, nhưng vẫn không thân bằng so với đạo diễn Lê Cung Bắc thân với Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, tôi có hỏi Lê Cung Bắc: "Hồi đó, anh đi đâu trên Biên Hòa mà gắn bó với Nguyễn Tất Nhiên như thế?". Bắc kể: "Năm 1973, sau khi học xong cao học, tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, bị thuyên chuyển lên Biên Hòa. Ở đó, tôi có mướn một căn phòng nhỏ trên đường Ngô Quyền để tá túc. Một buổi chiều, tôi từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Xuống bến xe, đi bộ lững thững về nhà, ngang qua quán càphê Tuyệt, thì có một thanh niên ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, trông rất lãng tử, từ trong quán đi ra, cứ lẽo đẽo theo sau. Đến đầu ngõ, tôi sắp quẹo vào, thì người thanh niên đó vượt lên hỏi, có phải anh là Lê Cung Bắc không? Tôi gật đầu. Người thanh niên tự giới thiệu mình là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ái mộ tôi đã lâu, mãi đến bây giờ mới được gặp. Lúc bấy giờ thơ của Nhiên đã có tiếng tăm. Tôi lại là người yêu thơ, nên hai chúng tôi kéo nhau vào một quán càphê gần đó ngồi nói chuyện. Nguyễn Tất Nhiên tâm sự, trong đời Nhiên có hai người mà anh yêu mến và kính phục tài năng nhất. Về thi ca là Du Tử Lê, về thoại kịch là Lê Cung Bắc. Từ đó tôi và Nhiên trở nên gắn bó. Tôi coi Nhiên như em và thương nó vô cùng. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Nhiên nói với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nhiên, mà chỉ để tên một mình ông trên bản nhạc, chứ không có tên tác giả bài thơ. Hiện các ca sĩ đang hát ì xèo mà chẳng thấy ai trả cho Nhiên một cắc bạc nào hết. Tôi đưa Nguyễn Tất Nhiên đến gặp nhà văn Chu Tử, chủ bút nhật báo Sóng Thần, tờ báo mà tôi có tên trong nhóm chủ trương. Ngay hôm sau, ông Chu Tử phang Phạm Duy một bài khá nặng trên mục Ao Thả Vịt. Thế là nổi đình, nổi đám. Về sau, nghe nói nhà xuất bản hay ai đó có điều đình và gửi cho Nhiên một số tiền, không biết là bao nhiêu. Có tiền, Nhiên nói muốn may tặng tôi một bộ veston, vì gia đình Nhiên là chủ một tiệm may khá nổi tiếng ở Biên Hòa. Nhưng tôi từ chối…".

Lê Cung Bắc còn nhận xét, Nguyễn Tất Nhiên rất dễ thương, dù có vẻ hơi bất bình thường. Nhiên từng khoe là anh giả điên rất giỏi, đến độ qua mặt được cả hội đồng giám định y khoa, để khỏi bị đi lính. Rồi Nhiên tự diễn xuất cho Bắc coi. Coi xong, Lê Cung Bắc cười ngặt nghẽo: "Chú mày có vẻ điên thật hơn là giả điên!". Sau ngày 30-4-1975, Nguyễn Tất Nhiên làm việc tại ban điều hành Hợp tác xã xe lam Biên Hòa, thỉnh thoảng vẫn về Sài Gòn, ngồi uống rượu với Lê Cung Bắc, cho đến ngày Nguyễn Tất Nhiên rời xa quê hương.

Nguyễn Tất Nhiên cũng rất thân với nhà thơ Phạm Chu Sa. Một lần ngồi uống rượu, Phạm Chu Sa nhận xét: "Bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên nghe ngồ ngộ. Có vẻ hay và chững chạc hơn là Hoài Thi Yên Thi nhiều". Nguyễn Tất Nhiên bộc bạch ngay: "Bút hiệu này do Du Tử Lê đặt. Ngay lần đầu mới gặp, Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi". Nguyễn Tất Nhiên hỏi Du Tử Lê: "Bạn bè em cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?". Lê đáp: "Tất nhiên". Khi biết là họ Nguyễn, Du Tử Lê mới nói: "Nguyễn, tất nhiên, sao không lấy là Nguyễn Tất Nhiên". Vậy là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp một con người tài hoa bạc mệnh.

Đầu thập niên 80 (của thế kỷ trước), Nguyễn Tất Nhiên sang Pháp, được vài năm thì qua Mỹ định cư. Lúc này bệnh tâm thần của Nhiên, từ giả thành thật và có phần nặng thêm. Ngày 3-8-1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tìm đến một ngôi chùa tại quận Cam (California), uống nhiều thuốc an thần rồi vào xe hơi, nằm chết ở đó! Lúc này anh vừa tròn tuổi 40.

Đây là bài thơ được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên.

TÌNH ƠI HỠI TÌNH

Lâu rồi… không nhớ bao lâu
Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian
Em về dưới gót trăng tan
Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau.
Lâu rồi… lâu lắm xa nhau
Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian
Em đi tóc lộng mây ngàn
Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo
Lâu rồi… không biết bao nhiêu
Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời
Hôm em êm ả điệu ngồi
Sau lưng là những tình ơi hỡi tình.

Mới đây, một tờ báo in trong nước đã có bài viết nhắc lại vụ kiện bản quyền nổi đình, nổi đám một thời giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu: "Vụ kiện này hắn hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết". Theo tôi thì việc ai trả tiền bản quyền và trả bao nhiêu cho Nguyễn Tất Nhiên không quan trọng. Vấn đề là một tác giả như Phạm Duy thừa hiểu rằng, khi một nhạc sĩ phổ thơ của thi sĩ nào đó, thì tên của tác giả bài thơ phải được đứng chung với tên của nhạc sĩ trên mọi ấn phẩm. Bởi vì, nhờ công sức của cả hai gộp lại mới thành ca khúc.

Nguyễn Tất Nhiên đã thành người thiên cổ và Phạm Duy cũng đã gần đất xa trời. Mọi thứ đã bị bụi thời gian phủ lấp. Nhắc lại chuyện này cũng chỉ như là một giai thoại giữa hai con người nổi tiếng, thuộc hai thế hệ khác nhau. Để có cớ nhớ về một nhà thơ, người bạn tài hoa đã khuất dặm mây ngàn…

 
Theo Đoàn Thạch Hãn (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm