“Gái rượu” nhà văn Kim Lân tái ngộ hội họa

Triển lãm đánh dấu mốc cho việc cầm cọ trở lại của nữ họa sĩ sau một thời gian dài vắng bóng.

70 tác phẩm trong Những đứa trẻ, phần lớn là tranh sơn mài được sáng tác trong hơn một năm cho thấy sự sáng tạo cần mẫn, cật lực của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Bà cho biết có được như ngày hôm nay là do bà học được thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc từ cha và các bạn văn nghệ sĩ của ông.

Nhà văn là thầy đầu tiên của… họa sĩ

Niềm đam mê hội họa của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là “nối nghiệp” từ cha. Hồi ấy nhà văn Kim Lân là người rất yêu hội họa. Ông từng theo cụ Nguyễn Gia Trí phụ vẽ sơn mài, vẽ, nặn tượng. Ông cũng giao thiệp với nhiều bạn bè là các họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm... Ngay từ khi chị em Nguyễn Thị Hiền còn nhỏ, nhà văn Kim Lân đã “vô tình” bày bút, giấy, bột màu ra bàn “dụ” các con nghịch, muốn vẽ vời gì tùy thích.

Bức vẽ đầu tiên của Nguyễn Thị Hiền là năm tám tuổi lúc rời vùng tản cư về Hà Nội sau giải phóng. Bà vẽ bức tranh Quả đồi của em trong nỗi nhớ da diết nơi bố đã dắt tay cô đi dạo mỗi buổi chiều. Nhà văn Kim Lân đã gửi bức vẽ này đến một cuộc triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế tại Hungary và được giải thưởng. Từ đó, nhà văn Kim Lân càng chú trọng dạy vẽ cho con gái. Nguyễn Thị Hiền càng lớn, việc học vẽ càng có kỷ luật hơn. Nghỉ hè, cô bé chỉ được nghỉ đúng ba ngày. Sau đó là những ngày khổ luyện bên giá vẽ. Sáng vẽ tĩnh vật, trưa vẽ hình họa, chiều ký họa. Ông bố ưu ái con gái không phải làm việc nhà, chỉ tập trung học vẽ. “Có lúc mình cũng thấy ấm ức. Ai đời con gái 18 tuổi rồi, có các anh trai đến nhà chơi, bố lại bảo: Anh về ngay cho em nó còn vẽ” - hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại.

Chưa hết, nữ họa sĩ kể năm 12 tuổi, khi vẽ vườn Bách Thảo, vì đam mê Van Gogh, bà vẽ các cây thông xoăn tít như tranh Van Gogh rồi đem khoe bố. Nhà văn Kim Lân cầm tranh rồi nói: “Á à - định làm Van Gogh đây” rồi ông im lặng hồi lâu mới nghiêm mặt nói: “Con ạ, làm nghệ thuật không đơn giản như con nghĩ đâu. Khi con học ở trường con phải giỏi nhất về hình họa, kỹ thuật. Nhưng khi con sáng tạo, con phải tự do nhất, con phải là chính mình. Nếu không, con sẽ chỉ là cái bóng của người khác”. Cô bé Nguyễn Thị Hiền đã khắc ghi lời dạy của bố như kim chỉ nam trong nghề nghiệp của mình. Và để giữ được là chính mình trong nghệ thuật như lời dặn của bố, bà đã nếm trải nhiều gian khổ, khắc nghiệt của nghề và thậm chí có lúc phải “đấu tranh” lại với bố.

“Gái rượu” nhà văn Kim Lân tái ngộ hội họa ảnh 1

Tình yêu hội họa của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền như một dòng chảy cho nên các triển lãm của bà đều đặt tên bắt đầu với chữ Dòng chảy… Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lén lút xem tranh của “danh họa tư bản”

12 tuổi Nguyễn Thị Hiền bắt đầu theo học Trường Mỹ thuật. Nhưng ban giám hiệu trường không hài lòng với việc cô học thêm bên ngoài với các danh họa được xếp vào nhóm Nhân văn giai phẩm và luôn “có vấn đề”. Có lần Hiền đã bị ban giám hiệu phê bình sau khi một thầy giáo phát hiện trong tập của cô chứa đầy các bức tranh của những “danh họa tư bản”: Picasso, Van Gogh, Salvador Dali… được cắt ra từ các tờ báo tiếng Pháp. Cô gái nhỏ ngồi tròn xoe mắt nghe ban giám hiệu và các thầy cô phê bình nhưng đến cuối buổi, các thầy hỏi cô có ý kiến gì không, cô vẫn kiên quyết: “Cho em xin lại các bức tranh. Em vẫn thấy nó rất đẹp ạ”.

Trước kỳ thi tốt nghiệp, nhà văn Kim Lân đến trường, rồi hai bố con đi dạo rất lâu. Ông nói: “Một kỳ thi không đánh giá hết năng lực của con. Con còn cả tương lai phía trước. Dù có những khó khăn, con hãy xem đó là thử thách để con có thêm nghị lực phấn đấu và chứng minh rằng mình đi con đường nghệ thuật đúng đắn”. “Nhìn bóng bố liêu xiêu đạp xe về, lòng tôi dâng lên một niềm thương yêu bố vô hạn” - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại.

Quả là sau đó Nguyễn Thị Hiền đã đỗ bét trong kỳ thi tốt nghiệp và được phân công về một huyện lẻ làm việc không hưởng lương. Thế nhưng do đã có chuẩn bị tinh thần từ trước, bà bình thản đón nhận và vẫn kiêu hãnh đi con đường của mình.

Cái tính kiêu hãnh và ngang bướng có lẽ đã ăn sâu vào máu của cô ngày ấy. Cô gái trẻ không sợ hãi một chướng ngại nào, ấy vậy mà cô vẫn phải nhún nhường khi vấp vào sự khổ tâm của bố. Đó là trong chuyện tình cảm với nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Ngày ấy, nhà văn Kim Lân quyết liệt ngăn cản con gái vì lúc này nhà thơ Lưu Quang Vũ chưa chính thức ly hôn với vợ là Tố Uyên. Nói không được, nhà văn Kim Lân đuổi cô ra khỏi nhà. Nguyễn Thị Hiền vẫn không lung lay tình cảm với Lưu Quang Vũ, cô khăn gói ra ngoài ở. Được ít lâu thì có người nhắn bố ốm.

“Giữa mùa hè nóng bức, nhìn thấy bố phát sốt, phát rét, áo bông, khăn len, đội mũ, đắp một lần hai ba cái chăn bông mà vẫn rên hừ hừ tôi không cầm lòng được. Vậy là đành chia tay. Chia tay để không lấy nhau chứ ngày nào Vũ cũng đứng ở góc đường chờ tôi suốt bao năm trời sau đó, buồn suốt một thời gian như thế” - nữ họa sĩ nhớ lại. Rồi giọng bà trở lại vui tươi bông đùa: “Sau này mọi người đùa bảo ông Kim Lân đóng phim, đóng kịch nhưng vai diễn ốm lừa con gái trong mùa hè năm đó là vai diễn thành công nhất. Tôi cũng chẳng biết thực hư thế nào”.

“Em còn phải sáng tác”

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:

● Sinh ngày 10-9-1946.

● Từng đạt được nhiều bằng khen, giải thưởng trong và ngoài nước, tiêu biểu như Giải thưởng quốc tế triển lãm tranh thiếu nhi tại Hungari (1956); Huy chương bạc triển lãm mỹ thuật tại Ấn Độ (1957-1960)…

● Bà có hàng chục triển lãm cá nhân trong và ngoài nước.

Lúc mới ra trường, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận được hợp đồng vẽ một bộ tranh minh họa phim hoạt hình với số tiền khổng lồ. Cô cũng muốn nhận vẽ nhưng cũng muốn dành thời gian sáng tác. Đem phân vân này nói với bố, nhà văn Kim Lân ủng hộ con gái sáng tác. Hai bố con kệ nệ ôm bộ tranh mẫu đi trả trong cái nhìn sửng sốt của thiên hạ.

Có lúc cô được đoàn múa rối thuê nặn tượng, tạo hình rối với mức lương hậu hĩnh nhưng được năm bữa nửa tháng, cô lại bỏ về. Mọi người ngạc nhiên, cô gái chỉ trả lời một câu ngắn gọn: “Em còn phải sáng tác”. Đến khi lập gia đình, va đập vào cuộc sống thực tế, nữ họa sĩ lãng mạn ngơ ngác không biết phải chăm lo cho gia đình như thế nào. Thậm chí phải nhờ hàng xóm đi chợ giùm vì nàng không biết đi chợ thời tem phiếu. Rồi cũng quen dần và cũng cần kiếm tiền nuôi con, bà làm nhiều nghề tay trái nhưng không quên sáng tác.

Lúc khó khăn nhất, gia đình nhỏ gặp nhiều biến cố, chồng gặp nạn rồi lại lâm bệnh, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền ngày đêm sát cánh bên cạnh chia sẻ với tai nạn của chồng trong suốt 10 năm. Bà không tham gia một triển lãm nào, ít giao thiệp bên ngoài. Bạn bè trong giới những tưởng trước khó khăn này họa sĩ đành từ bỏ niềm đam mê hội họa. Nhưng suốt những năm tháng bặt giao với môi trường hội họa bên ngoài, bà vẫn âm thầm vẽ, giữ lại những bức tranh cho mình. Mãi đến sau này, khi xuất hiện trở lại, bất kỳ triển lãm cá nhân nào của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng lấy tên Dòng chảy: Dòng chảy Mầm sống, Dòng chảy Giao cảm, Dòng chảy Những con chữ… Bà lý giải tình yêu hội họa của bà như một dòng chảy: có lúc cuồn cuộn dữ dội, có lúc lặng lẽ róc rách, có lúc âm thầm len trong lòng đất nhưng nó không ngừng chảy.

Triển lãm Những đứa trẻ trưng bày gần 70 tác phẩm sơn dầu và sơn mài vẽ chân dung trẻ em. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ trẻ em với nhiều độ tuổi khác nhau, ở nhiều vùng miền khác nhau từ thành thị cho tới nông thôn, miền núi, từ thời chiến tranh cho đến thời nay, ở nhiều khung cảnh khác nhau… Nhưng tất cả đều mang vẻ ngây thơ, hồn nhiên. Triển lãm Dòng chảy VI - Những đứa trẻ đến ngày 10-10.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm