Sáng 19-1, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác trọng tâm của năm học 2021-2022 của ngành giáo dục mầm non thành phố.
Báo cáo tại hội nghị, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua tại TP.HCM, TP đã có gần 3.097 cơ sở giáo dục mầm non ngưng hoạt động từ 3 đến 6 tháng.
Đáng nói, toàn TP có 20 trường và 79 nhóm lớp mầm non công lập phải giải thể. Tính từ tháng 5-2021 đến nay, số ca F0 trong ngành là hơn 5.800 trẻ em, và gần 5.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, gần 10.000 người đã điều trị khỏi.
Gần 100 cơ sở mầm non tại TP.HCM phải giải thể do dịch COVID-19. Ảnh: PHẠM ANH
Theo kế hoạch, TP. HCM dự kiến cho phép các cơ sở giáo dục mầm non đón trẻ đi học trực tiếp trở lại trong tháng 2-2022. Bà Điệp cho hay, trong năm ngày đầu tiên đi học trở lại, thành phố chia ra nhiệm vụ cụ thể của từng ngày học.
Cụ thể, trong ngày đầu tiên, giáo viên sẽ làm quen với trẻ, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy định (lưu ý không dùng chung đồ dùng với bạn). Dạy trẻ kỹ năng và quy tắc khi đến trường để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Ngày thứ hai, các trường giáo dục trẻ ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh (sốt, ho và mệt, đau nhức chân tay, đau đầu, khó thở) và xử trí kịp thời (trao đổi với giáo viên hoặc bạn). Tổ chức các trò chơi theo nhóm nhỏ tăng cường vận động, kết nối trẻ với trẻ, cô với trẻ.
Trong năm ngày đầu tiên đi học trở lại, thành phố chia ra nhiệm vụ cụ thể của từng ngày học. Ảnh: PHẠM ANH
Ngày thứ ba, tiếp tục củng cố các thói quen vệ sinh cá nhân, ý thức thực hiện 5K để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Tăng cường các hoạt động, trò chơi theo nhóm nhỏ để củng cố kiến thức và kỹ năng đã được hỗ trợ qua clip.
Ngày thứ tư, mở rộng các hoạt động giáo dục, chú trọng các vận động phát triển thể chất nhằm khích lệ tinh thần, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Ngày thứ , dạy trẻ nhận biết các thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, các kỹ năng sống thích ứng trong mùa dịch bệnh (tính tự lập, bình tĩnh, biết cách ứng phó trước mọi tình huống).
Chú trọng tổ chức các hoạt động cốt lõi đảm bảo nội dung trong bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1, hình thành kỹ năng học tập sau này.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, nếu được đồng ý cho đi học lại trong tháng 2, các cơ sở giáo dục mầm non cần chuẩn bị kỹ hơn, chặt chẽ hơn so với bậc tiểu học. Ông Lê Hoài Nam đề nghị, bậc học mầm non của TP nên thêm chủ đề là chuẩn bị cho trẻ thêm các kỹ năng sống thích ứng với mùa dịch.
Ông Nam cũng đề nghị, các trường, cơ sở giáo dục mầm non cần tuyên truyền rõ ràng cho phụ huynh, học sinh biết rằng đi học lại là trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, không ép buộc.
Đặc biệt, đối với các nhóm trẻ độc lập, tư thục, ngoài công lập cần phải làm chặt chẽ, đảm bảo tối đa, an toàn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là trên hết, đặc biệt phải đảm bảo nghiêm túc 5K theo yêu cầu của ngành y tế.
Ông Lê Hoài Nam yêu cầu các Phòng GD&ĐT có văn bản gửi lãnh đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị không bố trí các trường mầm non làm điểm tiêm vắc xin nữa, mà cần phải bố trí nơi khác, để các trường thực hiện việc sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất chuẩn bị cho học sinh đi học lại. PHẠM ANH